Người cộng sản vĩ đại đặt nền móng kiến thiết nên chủ nghĩa xã hội hiện thực
 
V.I.Lênin (Vladimir Ilych Lenin) sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk). Từ nhỏ Lênin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, tinh thần tự học và là người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng nhân dân. Lênin tốt nghiệp bậc Trung học đạt loại xuất sắc và được tuyển thẳng vào trường Đại học Tổng hợp Kazan. Vì tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, Lênin bị đuổi học và bị phát lưu đến làng Kokushino Kazan. Với trí tuệ mẫn tiệp, chỉ trong vòng hai năm, ông đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật.
 
Ông là người thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Saint Petersburg, tập hợp những người Mácxít cách mạng để thành lập đảng; sáng lập ra tờ báo “Tia lửa”. Bằng trí tuệ, uy tín, ông trở thành người đứng đầu Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga lãnh đạo cách mạng; đề ra Luận cương Tháng Tư - một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và Cương lĩnh mùa xuân năm 1920. Ông đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tháng Mười làm rung chuyển thế giới, khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực lần đầu tiên ở nước Nga; đồng thời lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga.
Hình ảnh: Tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam số 1
V.I. Lê-nin vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể của nước Nga. Nguồn: Tư liệu
54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp giải phóng nước Nga Xô viết và xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Công lao to lớn của Lênin để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế giới hiện đại ở việc ông là người đầu tiên đặt nền móng kiến thiết nên CNXH hiện thực và xây dựng Đảng kiểu mới.
 
Phát triển học thuyết Mác, xây dựng lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
 
V.I.Lênin nhận định “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”, là bộ phận không thể tách rời, ưu tú nhất, giác ngộ cách mạng nhất, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng là đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Hình thức và tính chất đấu tranh của Đảng không chỉ đơn thuần là đấu tranh kinh tế, mà cơ bản hơn là đấu tranh chính trị.
 
Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân phải thực hiện nguyên tắc lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh giành cách mạng. Đảng phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng. Chủ nghĩa Quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.
 
Để bảo đảm vai trò lãnh đạo và giữ vững bản chất công nhân của Đảng, Lênin cho rằng, Đảng phải thanh lọc, làm trong sạch mình bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
 
Những luận điểm của Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về đảng cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôsêvích Nga và hàng loạt các đảng cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính đảng mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.
 
Với tư cách là lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khiến chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã... Nó cũng là kết quả của sự ra đời của nước Nga Xô viết và đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại - đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, làm cho đảng cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành.
 
Người khởi xướng xây dựng chính sách kinh tế mới
 
Sau khi cách mạng Tháng Mười thành công, Lênin đã khởi xướng "Chính sách kinh tế mới" (NEP) thay thế "Chính sách Cộng sản thời chiến" lúc đó không còn phù hợp, làm hồi sinh nước Nga. Tư tưởng về phát triển xã hội đã được hình thành và đã được chứng thực tại nước Nga, được trình bày có hệ thống trong các tác phẩm của ông viết trong thời kỳ thực hiện NEP. Với NEP, một bộ phận đặc sắc trong di sản lý luận của Lênin "sự phát triển rút ngắn" và phương thức "quá độ gián tiếp" lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN đối với các nước lạc hậu, còn tồn tại các quan hệ phong kiến - gia trưởng, tiền tư bản đã có được sự luận chứng rành mạch, sáng tỏ.
 
Theo Lênin, phải tăng cường liên kết giữa giai cấp công nhân và nông dân, kiến lập mối quan hệ giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa với kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ thông qua việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ dưới sự kiểm soát của Nhà nước nhằm phát triển lực lượng sản xuất, cho phép phát triển và hướng kinh tế tư bản vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước khi những đỉnh cao của nền kinh tế vẫn nằm trong tay nhà nước để phát triển công nghiệp lớn.
 
Các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội mà không phải là nước tư bản phát triển cao thì phải thừa nhận nền kinh tế hàng hóa, thừa nhận quy luật giá trị, nhiều thành phần của nền kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, phân phối, áp dụng cơ chế hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh, sử dụng các đòn bẩy kinh tế như kích thích lợi ích vật chất, thưởng, phạt, khoán, thuế… giải quyết đúng đắn các quan hệ hàng - tiền, cung - cầu, kế hoạch - thị trường… Phải thỏa hiệp với tiểu nông, vận dụng đúng đắn chế độ hợp tác, mạnh dạn sử dụng tri thức và chuyên gia tư sản. Đây là vấn đề mà Mác và Ăngghen trước kia hoàn toàn chưa đặt ra.
 
Lênin đã nêu lên vị trí, vai trò của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong Chính sách kinh tế mới, đó là: Chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là “phòng chờ”, “nấc thang” đi tới chủ nghĩa xã hội; là quá trình tập trung hoá và xã hội hoá lực lượng sản xuất một cách tất yếu, khách quan, gắn liền với các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, quá trình thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước phải nghiêm túc, có nguyên tắc, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn xã hội. Lênin khẳng định, sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước là tất yếu, hợp quy luật, sinh ra từ chính nhu cầu nội tại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là kết quả của các quan hệ thị trường, thiết lập liên minh kinh tế. Tính tất yếu của sự ra đời chủ nghĩa tư bản nhà nước là do cạnh tranh gay gắt của nền sản xuất và tái sản xuất hàng hoá mở rộng tác động đến quy mô tư bản cá biệt hoặc công ty cổ phần, mâu thuẫn đối kháng bên trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra ngoài là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Để Nhà nước vô sản có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức và quản lý cao cấp, có các quan hệ kinh tế xã hội hoá, theo Lênin, chỉ có thông qua quan hệ hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa và công ty mới hoàn thành được nhiệm vụ thời đại.
Hình ảnh: Tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam số 2
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Chính sách kinh tế mới như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của người lao động, nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, nhà nước xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh; khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để phát triển; đồng thời gợi mở lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đó là phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động.
 
Qua thực tiễn bảy năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ của nước Nga thành công (1917 - 1924), Lênin xứng đáng là nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực bởi NEP không phải là một chính sách kinh tế thông thường mà là cả một đường lối, chiến lược cơ bản, lâu dài nhằm đổi mới và phát triển chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các nước còn lạc hậu tương tự như nước Nga.
 
Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và hệ thống lý luận của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Những tư tưởng, lý luận quý báu của Lênin đã, đang được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
 
Việt Nam vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước
 
Trong suốt hơn 94 năm xây dựng và phát triển của cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, từ đó đã đúc kết những luận điểm lý luận phù hợp với mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, cả trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế.
 
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng. Đảng được xây dựng theo nguyên tắc Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản và gắn bó mật thiết với nhân dân. Tập trung dân chủ gắn với thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; Đảng có kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đoàn kết thống nhất. Đảng ra đời với mục tiêu tối thượng là đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.
 
Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức qua suốt 13 kỳ Đại hội. Đặc biệt, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã ban hành hàng chục Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức hàng loạt các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, việc thanh lọc làm trong sạch bộ máy của Đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có nhiều tiến bộ; việc ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét.
 
Trong phát triển kinh tế, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo Chính sách kinh tế mới của Lênin vào thực tiễn đất nước. Theo đó, Đảng khởi xướng và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đồng thời cũng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế. Không những thế, tư tưởng của NEP còn được Đảng ta phát triển, mở rộng ở tầm cao mới, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy, từ Chính sách kinh tế mới của Lênin, Đảng ta không chỉ tìm tòi, vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển, mở rộng lên một tầm cao mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gần 40 năm qua.
 
Chính nhờ sự vận dụng linh hoạt chính sách kinh tế mới cùng sự chỉ đạo sáng suốt, nước ta đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng, tuy ở mức thấp. Đặc biệt, trong năm 2023, sự suy thoái sau dịch bệnh và trước những bất ổn do chiến tranh, thời tiết cực đoan, tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05%, dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt.
 
Chưa bao giờ chúng ta đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay. Tình hình trên thế giới diễn ra rất mau lẹ và phức tạp, khó lường, những vấn đề mới nảy sinh, mới đặt ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả của đất nước; vin vào những mặt tiêu cực, hạn chế để nói xấu Đảng, chế độ ta, hòng xóa bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Đảng ta phải việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu nhằm khẳng định, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; tiếp tục đấu tranh cho công cuộc đổi mới về tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác; đẩy mạnh đổi mới tư duy kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Nguyễn Thương
Nguồn: Baodangcongsan.vn