Hình ảnh: Triển khai công tác y tế ứng phó với bão RAI số 1
Ảnh: minh họa
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Hồi 07 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão (có tên quốc tế là RAI) ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 121,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây miền Trung Phi-lip-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo, chiều, tối nay (17/12) bão sẽ vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6-8m ở khu vực bắc, giữa và nam Biển Đông; Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 07 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng Bình Định khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 15. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp.
Thực hiện Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó khẩn với siêu bão sắp vào biển Đông; Công điện số 26/CĐ-QG ngày 16/12/2021, Công điện số 25/CĐ-QG ngày 14/12/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tại, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tại và tìm kiếm cứu nạn;
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực trên chủ động thực hiện một số nội dung sau:
Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tại, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc sẵn sàng ứng phó với bão bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão RAI, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phỏng, chống; Rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng; bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tại. 
Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...), đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 (theo Quyết định số 16/QĐ-TWPCTT ngày 23/8/2021 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) và hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm sơ tán, nơi tập trung đông người phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương (theo Công văn số 8646/BYT-MT ngày 13/10/2021 của Bộ Y tế).
Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị có liên quan khẩn trương, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện.
Hùng Sơn