HĐBA LHQ họp trực tuyến công khai về tình hình Libya và hoạt động của UNSMIL
Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, báo cáo trước HĐBA, bà Stephanie Williams, Quyền Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Libya kiêm người đứng đầu UNSMIL, đánh giá cao những tiến triển tích cực về chính trị - an ninh ở Libya thời gian gần đây, đặc biệt là việc các bên ở Libya đồng ý thiết lập một cơ chế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn dài hạn ngày 23/10/2020 dưới sự hỗ trợ của LHQ và nhất trí về cơ chế lựa chọn các vị trí lãnh đạo của Chính phủ lâm thời, hướng tới bầu cử vào ngày 24/12/2021.

Bà Stephanie Williams cho biết, trong những ngày tới, các bên liên quan ở Libya sẽ tiếp tục nhóm họp để bầu chọn các đề cử cụ thể cho các vị trí lãnh đạo. Bà kêu gọi HĐBA tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya, trong đó có việc cho phép UNSMIL hỗ trợ cơ chế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn dài hạn ngày 23/10/2020.

Trong phát biểu, các nước thành viên HĐBA hoan nghênh những diễn biến tích cực ở Libya thời gian qua, đánh giá cao các nỗ lực của UNSMIL và Quyền Đại diện đặc biệt và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận ngừng bắn và tiếp tục thúc đẩy lộ trình hướng tới bầu cử.

Các nước cũng bày tỏ mong muốn ông Jan Kubis, Đặc phái viên của TTK LHQ về Libya mới được bổ nhiệm sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya trong thời gian tới. Nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA liên quan đến Libya và chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng lính đánh thuê nước ngoài theo Thỏa thuận ngừng bắn.

Đại diện Libya nhấn mạnh cam kết và nỗ lực của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) trong việc thúc đẩy giải pháp hòa bình cho vấn đề Libya; mong muốn HĐBA và UNSMIL có hành động cụ thể hơn để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya, trong đó có việc hỗ trợ giám sát thỏa thuận ngừng bắn và tiến trình hướng tới bầu cử.

Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời Việt Nam tại LHQ đánh giá cao những tiến triển tích cực về chính trị và an ninh ở Libya, khẳng định lại sự ủng hộ của Việt Nam đối với một giải pháp chính trị toàn diện do người Libya dẫn dắt và làm chủ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Libya.

Đại sứ kêu gọi các bên ở Libya tiếp tục đạt các kết quả thực chất trong thực thi Thỏa thuận ngừng bắn, sớm thành lập Chính phủ lâm thời để bắt đầu tiến trình chuyển tiếp hướng tới bầu cử, đóng góp vào hòa bình và ổn định lâu dài ở Libya. Đại sứ bày tỏ ủng hộ việc HĐBA cho phép UNSMIL hỗ trợ cơ chế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn dài hạn do người Libya dẫn dắt và làm chủ, trên cơ sở phù hợp với các Nghị quyết liên quan của HĐBA về Libya.

Đại sứ Phạm Hải Anh cũng đánh giá cao nỗ lực của UNSMIL, Quyền Đại diện đặc biệt, các nước láng giềng, các tổ chức khu vực và các đối tác liên quan trong thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya trong thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Jan Kubis, Đặc phái viên của TTK LHQ về Libya.

Cuối phiên họp, HĐBA đã thông qua Thông tin báo chí với nội dung ghi nhận những tiến triển tích cực về chính trị - an ninh ở Libya, kêu gọi việc chấm dứt sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài và triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin khác phù hợp với Thỏa thuận ngừng bắn, cam kết của Hội nghị Berlin về Libya và các Nghị quyết liên quan của HĐBA, đồng thời ghi nhận vai trò của UNSMIL, các nước láng giềng và tổ chức khu vực trong thúc đẩy hòa bình ở Libya.

Tình hình an ninh tại Libya đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua sau khi Lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ký kết Thỏa thuận ngừng bắn dài hạn ngày 23/10/2020. Các bên liên quan cũng cam kết chấm dứt sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, trong khuôn khổ Đối thoại Chính trị ở Tunisia từ 9-13/11/2020, các bên liên quan ở Libya cũng nhất trí về lộ trình tiến tới bầu cử vào ngày 24/12/2021.

Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) được thành lập theo Nghị quyết 2009 (2011) của HĐBA. Đây là một Phái bộ Chính trị với nhiệm vụ chính là hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị và hỗ trợ tiến trình bầu cử ở Libya. UNSMIL được gia hạn gần nhất theo Nghị quyết 2542 (15/9/2020) với thời hạn 12 tháng. 
Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Viet-Nam-danh-gia-cao-nhung-tien-trien-ve-chinh-tri-va-an-ninh-o-Libya/421239.vgp