Nhân dân Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia đồng cam cộng khổ, gắn kết, đùm bọc lẫn nhau trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. (Trong ảnh: Liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950 - Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhân dân Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia đồng cam cộng khổ, gắn kết, đùm bọc lẫn nhau trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. (Trong ảnh: Liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950 - Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chung lưng trên mặt trận giảm nghèo

Dòng sông Sê Pôn chảy qua địa phận hai huyện ĐaKrông và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), dài hơn hai trăm cây số. Dòng sông hùng vỹ ấy bao năm nay là chứng nhân cho những cặp “lương duyên” bền chặt của những cặp bản – bản kết nghĩa, trở thành biểu tượng thắm tình hữu nghị Việt Nam – Lào.

Cặp bản đầu tiên nên duyên kết nghĩa ở Hướng Hóa là bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo và bản Đen Sa Vẳn, thuộc Cụm Ka Túp Mã Hạt, huyện Sê Pôn (Lào) từ năm 2005. Sau hơn 17 năm kết nghĩa, cặp bản Ka Tăng – Đen Sa Vẳn đã dìu dắt nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thắt chặt hơn tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Năm 2022 đánh dấu 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (1962 – 2022) và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (1967 - 2022). Mối quan hệ giữa Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia không chỉ là giữa những nước láng giềng mà là mối quan hệ như tình đồng chí, anh em. Trong lịch sử lâu đời, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia đã có mối quan hệ thân tình, tốt đẹp với nhau. Nhân dân Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia đồng cam cộng khổ, gắn kết, đùm bọc lẫn nhau trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Già làng Hồ Thanh Bình, sinh năm 1936, dân tộc Pa Cô, ở bản Ka Tăng là người cảm nhận rõ nhất cho sự phát triển của cặp bản kết nghĩa. Sau gần 30 năm cầm súng, tham gia giải phóng quê hương trên khắp các mặt trận Bình Trị Thiên, ông trở về bản Ka Tăng vào đúng thời điểm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị thí điểm chương trình kết nghĩa bản với bản hai bên biên giới (năm 1994), do Chỉ huy trưởng Trần Đình Dũng (ông Dũng từ năm 2007 đến 2013 là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP) đề xuất.

Già làng Hồ Thanh Bình vừa rời tay súng đã bước ngay vào một mặt trận khác, đó là chiến đấu chống lại cái đói, nghèo, vừa cho mình và cho bản Ka Tăng, cả cho dân bản Đen Sa Vẳn. Ông sát cánh cùng những người lính Biên phòng để hỗ trợ bà con Nhân dân tại địa phương và bà con người Lào ở bản đối diện. Để mọi người tin thì kinh tế gia đình mình phải khá nên ông khai phá đất trồng chuối, trồng sắn. Thỉnh thoảng, ông lại hỗ trợ 1 xe chở chuối giống sang giúp bà con ở bản đối diện bên đất Lào.

Thực hiện chủ trương kết nghĩa bản Ka tăng với bản Đen Sa Vẳn, bằng uy tín của mình, già làng Hồ Thanh Bình cùng với Bí thư Chi bộ, trưởng bản Ka Tăng ra sức vận động. Ngày 28/4/2005, bản Ka Tăng và bản Đen Sa Vẳn chính thức kết nghĩa, đánh dấu bước tiến trong mối quan hệ giữa hai cụm dân cư đối diện dòng Sê Pôn.

Già làng Hồ Thanh Bình nhớ lại: Sau khi kết nghĩa, dù bản Ka Tăng vẫn rất khó khăn (cả bản có gần hai trăm hộ thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 78%) nhưng vẫn ra sức giúp đỡ người anh em bản Đen Sa Vẳn. Chỉ chưa đầy một tháng sau đó, bà con bản Ka Tăng đã gom góp được 6 xe ôtô chuối giống, 12 xe hom sắn giống, ủng hộ bà con Đen Sa Vẳn. Dân bản Ka Tăng còn sang từng nhà ở bản Đen Sa Vẳn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc; khi thu hoạch chuối, sắn, bản Ka Tăng còn giúp bản Đen Sa Vẳn thu mua, tiêu thụ hàng hóa.

Giao thương giữa đôi bờ sông Sê Pôn.
Giao thương giữa đôi bờ sông Sê Pôn.

Sau hơn 17 năm kết nghĩa, đời sống của Nhân dân bản Ka Tăng và bản Đen Sa Vẳn đã thay đổi rõ rệt. Riêng ở bản Ka Tăng, từ các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo trước đây giờ đã được thay bằng hệ thống giao thông phần lớn đã được bê tông; trục đường chính của bản đã được nhựa hóa, mặt đường rộng đến 6m chạy hàng cây số từ đầu bản đến cuối bản. Chuối vẫn là cây trồng chủ lực của bản, bình quân mỗi hộ trồng khoảng 0,5ha chuối, mỗi năm thu về vài chục triệu. Ngoài ra, dân bản Ka Tăng còn phát triển chăn nuôi; nhà nào nuôi ít cũng chục con dê, vài trăm con gà, vịt, lợn,…

Lan tỏa mối lương duyên

Từ cặp “lương duyên” đầu tiên là Ka Tăng – Đen Sa Vẳn, đến nay dọc dòng sông Sê Pôn chạy qua địa bàn huyện Hướng Hóa và ĐaKrông của tỉnh Quảng Trị đã hình thành nên 25 cặp bản kết nghĩa của cư dân hai bên biên giới. Trong đó huyện Hướng Hóa có 20 cặp bản đối diện kết nghĩa; huyện ĐaKrông có 5 cặp.

Diện mạo mới ở bản Ka Tăng, thị trấn lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh TL)
Diện mạo mới ở bản Ka Tăng, thị trấn lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh TL)

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, địa phương có chung đường biên giới với 3 huyện của nước bạn Lào gồm Sê Pôn, Mường Noòng (Savanakhet) và Sa Muội (Salavan), với tổng đường biên dài 156 km đi qua 13 xã, thị trấn. Những năm qua, mô hình kết nghĩa “bản - bản” giữa các cặp bản đối diện hai bên biên giới đã phát huy mạnh mẽ công tác tự quản đường biên, cột mốc; qua đó khẳng định vai trò, vị trí to lớn của quần chúng là chủ thể trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Không riêng Quảng Trị mà dọc tuyến biên giới trên đất liền của nước ta, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, Lào và Campuchia, đường biên, mốc giới ngày càng được tôn tạo dày thêm từ những cụm cư dân kết nghĩa hai bên biên giới. Chỉ tính riêng tuyến biên giới Việt – Lào, lực lượng BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa và duy trì quan hệ đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ nhau giữa 103 cặp cụm dân cư. Đây là những mốc giới vô hình được tạo nên từ những mối lương duyên này vô cùng bền chặt, làm nên lũy thép nơi biên cương.

Biên giới xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An và xã Som Rông, Svâyriêng Vương quốc Campuchia. (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ chốt dân quân Mỹ Quý Tây phối hợp tuần tra)
Biên giới xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An và xã Som Rông, Svâyriêng Vương quốc Campuchia. (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ chốt dân quân Mỹ Quý Tây phối hợp tuần tra)

Để thắt chặt tình đoàn kết giữa Nhân dân hai bên biên giới, nhiều địa phương đã triển khai những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương mình. Biên giới xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) và xã Som Rông (Svâyriêng Vương quốc Campuchia) có quyền tự hào vì họ là chủ nhân của một cuộc thi nhan sắc có một không hai là “Phụ nữ biên giới duyên dáng” của phụ nữ hai bên biên giới. Tuy quy mô cuộc thi chỉ dừng lại ở cấp xã, nhưng “tiếng thơm” đã lan tỏa cả một vùng miền Tây rộng lớn.

Từ cuộc thi đáng yêu này, hai tỉnh Long An vàSvây riêng đã lựa chọn xã Mỹ Quý Tây và xã Som Rông là cặp kết nghĩa thí điểm; sau đó được nhân rộng tại 10 tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia. Cùng với mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, việc kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự ,an toàn xã hội khu vực biên giới; đồng thời góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt. 


Vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển: Nghĩa tình nơi biên giới (Bài 2)
Theo https://baodantoc.vn/vung-bien-hoa-binh-huu-nghi-va-phat-trien-nam-chat-tay-nhau-de-cung-tien-bai-3-1668155557718.htm