10 công ty lọt vào vòng trong sẽ nhận được khoản tài trợ tiền mặt trị giá 10.000 USD để phát triển các đề xuất của họ trong giai đoạn ươm mầm kéo dài 10 tháng, bao gồm cả các hoạt động kỹ thuật và huấn luyện kinh doanh. Các công ty này sẽ tranh giải thưởng Nhất, Nhì, Ba với các mức thưởng bằng tiền mặt lần lượt gồm: 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD vào đêm chung kết. Đến tháng 7/2021 sẽ công bố các công ty đoạt giải.

Các doanh nghiệp trong danh sách rút gọn được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm năng lực kỹ thuật, sản phẩm sáng tạo và khả năng được cấp bằng sáng chế của dự án.

Ông Thiều Phương Nam công bố 10 công ty khởi nghiệp lọt vào danh sách rút gọn.

Ông Thiều Phương Nam công bố 10 công ty khởi nghiệp lọt vào danh sách rút gọn.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, 10 công ty lọt vào vòng trong sẽ có 8 tháng được Qualcomm hỗ trợ cung cấp huấn luyện kỹ thuật, được hỗ trợ phát triển sản phẩm trên các phần cứng, phần mềm bởi đội ngũ kỹ sư của Qualcomm. Các startup được sử dụng phòng Lab của Qualcomm ở Hà Nội để hỗ trợ phát triển sản phẩm của mình.

Cũng theo ông Nam, ngoài hỗ trợ kỹ thuật, Qualcomm cũng sẽ có các gói hỗ trợ khác như các lớp huấn luyện để các công ty có thể phát triển kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, Qualcomm cũng sẽ hỗ trợ startup đăng ký bản quyền và quản lý sở hữu trí tuệ, đây là hỗ trợ rất quan trọng bởi vì các startup hay các công ty công nghệ phải bảo vệ được bản quyền, bảo vệ nguồn lực mới có thể tái đầu tư. Qualcomm sẽ giúp các startup thuê các công ty luật hàng đầu thế giới ở Việt Nam để hỗ trợ bảo vệ sở hữu trí tuệ. Với mỗi bản quyền đăng ký thành công sẽ được hỗ trợ 5.000 USD.

Cuộc thi Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam chính thức khởi động vào tháng 12/2019 với mục tiêu tìm kiếm và ươm mầm các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy triển vọng tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST), cuộc thi góp phần thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ đang phát triển của Việt Nam bằng cách phát hiện và bồi dưỡng những công ty sáng tạo vừa và nhỏ có những dự án khởi nghiệp liên quan đến 5G, IoT, học máy, thành phố thông minh, thiết bị đeo và truyền thông đa phương tiện ứng dụng các nền tảng và công nghệ di động Qualcomm® cũng như có thể hưởng lợi từ chuyên môn của Qualcomm Technologies trong một số lĩnh vực.

Các công ty vượt qua vòng sơ loại sẽ nhận được hỗ trợ từ Qualcomm, bao gồm các chỉ dẫn và hỗ trợ kỹ thuật và kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng được tiếp cận phòng lab nghiên cứu và phát triển (R&D) của Qualcomm Việt Nam tại Hà Nội, cũng như hỗ trợ giải quyết vấn đề từ các đội ngũ kỹ thuật trong nước của công ty. Các phòng lab hỗ trợ đa dạng chức năng, bao gồm ML/AI, phòng thí nghiệm camera, phòng thí nghiệm âm thanh, phòng cách âm kiểm tra sản phẩm (RF), xử lý sự cố nhiệt và modem.

Ông Alex Rogers, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Chủ tịch Qualcomm Technology Licensing chia sẻ: “10 đội được chọn đã cho thấy tài năng và sự sáng tạo của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời gây ấn tượng với đội ngũ công nghệ và kinh doanh của Qualcomm. Qua chương trình QVIC, chúng tôi hi vọng có thể góp phần hỗ trợ ươm tạo những công ty khởi nghiệp sáng tạo này và giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng đổi mới.”

Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Những kết quả đạt được từ cuộc thi của Qualcomm cho thấy sự đa dạng của công nghệ tiên tiến trên thế giới như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và các ứng dụng công nghệ IoT. Với sự đồng hành của Qualcomm, chúng tôi kỳ vọng các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp với trình độ thế giới. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tạo điều kiện và có nhiều hỗ trợ cho những tập đoàn như Qualcomm để có thêm nhiều hoạt động bổ ích dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.”

Thứ trưởng Trần Văn Tùng thảo luận về các dự định tương lai của Bộ Khoa học và Công nghệ cho các tập đoàn quốc tế hỗ trợ startup Việt Nam khởi nghiệp.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng thảo luận về các dự định tương lai của Bộ Khoa học và Công nghệ cho các tập đoàn quốc tế hỗ trợ startup Việt Nam khởi nghiệp.

Ngoài khoản trợ cấp tiền mặt 10.000 USD, Qualcomm Technologies còn tổ chức chương trình huấn luyện kinh doanh, đồng thời đưa ra các hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo về IP, và hỗ trợ tài chính để khuyến khích các công ty trong danh sách rút gọn đăng ký bằng sáng chế. Đêm chung kết của cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 8 năm 2021 với ba đội được lựa chọn bởi ban giám khảo là những lãnh đạo đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 225.000 USD.

Danh sách 10 công ty vượt qua vòng Sơ khảo:

Công ty TNHH AIOZ Việt Nam –Robot giao hàng và hỗ trợ thông minh

Công ty CP Busmap - Giải pháp giao thông và thành phố thông minh

Công ty TNHH Cloud Energy - Quản lý năng lượng cho thành phố thông minh

Công ty CP Drone Pro Việt Nam – Drone giao hàng thông minh cho nhà cao tầng

Công ty CP Công nghệ số LanCS Việt Nam - Hệ thống nông trại thủy sản tự động

Công ty TNHH Công nghệ LC Việt Nam - Giải pháp đo năng lượng thông minh

Công ty TNHH OnSky Việt Nam – Hệ thống quản lý tài sản và logistics thông minh

Công ty CP Doanh nghiệp Xã hội Vulcan– Thiết bị chân tay giả có kết nối cảm biến

Công ty CP Công nghệ TK 25 – Quảng cáo và bán lẻ thông minh

Công ty TNHH Chế tạo Máy 3C – Robot cộng tác cho Công nghiệp 4.0

Đỗ Quyên
Theo https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/khoi-nghiep-ict/10-startup-lot-vao-vong-trong-cuoc-thi-thu-thach-doi-moi-sang-tao-qualcomm-viet-nam-2020/20201128052229027