Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu tại Lễ trao Quyết định (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ) 

Ngày 21/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Bern (Thụy Sỹ) đã tổ chức Lễ trao quyết định chính thức bổ nhiệm Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sỹ cho Tiến sĩ Philipp Rosler (nguyên Phó Thủ tướng Đức), đồng thời tổ chức Hội thảo bàn tròn về triển vọng và cơ hội kinh doanh.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan chúc mừng Tiến sĩ Philipp Rosler với vai trò mới là Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu, Lãnh sự danh dự có vai trò quan trọng như cầu nối, không chỉ giữa Chính phủ với giới doanh nhân mà còn giữa các cộng đồng. Việc nhận danh hiệu mới là Lãnh sự danh dự của Việt Nam đã bổ sung thêm cho sự nghiệp chính trị và kinh doanh quốc tế vốn đã nổi bật của Tiến sĩ Philipp Rosler.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Thụy Sỹ đối với Việt Nam và tiềm năng hợp tác và đối tác giữa hai nước, Đại sứ Lê Linh Lan cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 30 năm hợp tác phát triển. Trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ đã phát triển rất năng động với những thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, ngoại giao, thương mại và đầu tư, văn hóa, giáo dục và đào tạo, giao lưu cộng đồng. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, những năm gần đây, quan hệ hợp tác song phương có bước phát triển mạnh mẽ. Thụy Sỹ đã trở thành đối tác thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Khối lượng thương mại đạt kỷ lục 3,6 tỷ USD trong năm 2019. Khoảng 140 công ty Thụy Sỹ bao gồm các tên tuổi đẳng cấp thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Holcim ... đã kinh doanh thành công tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đưa Thụy Sỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 ở châu Âu.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan tin tưởng, với vai trò là Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sỹ, Tiến sĩ Philipp Rosler (nguyên Phó Thủ tướng Đức) sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sỹ nói riêng và giữa Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Đức nới chung; cùng nhau đưa quan hệ đối tác Việt Nam – Thụy Sỹ lên cấp độ tiếp theo.

Bày tỏ vinh dự được nhận vai trò là Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sỹ, Tiến sĩ Philipp Rosler mong muốn được làm cầu nối thúc đẩy không chỉ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ mà còn với cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Đức; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sỹ hãy tìm hiểu cơ hội và đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhiều hơn nữa.

Ngay sau Lễ trao Quyết định, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ cũng tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về triển vọng và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Đại sứ Lê Linh Lan trao quyết định chính thức bổ nhiệm Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sỹ cho Tiến sĩ Philipp Rosler (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ)

Tại Diễn đàn, Đại sứ Lê Linh Lan cho biết, hiện nay kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Môi trường khởi nghiệp ngày càng thuận lợi với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng nhiều. Đặc biệt lĩnh vực kinh tế tư nhân đầu tư rất mạnh cho nghiên cứu phát triển và hiện chiếm đến 47% vốn trong hoạt động này. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đang diễn ra sâu rộng, đem lại nhiều tiềm năng đầu tư cho doanh nghiệp Thụy Sĩ. Về chuyển đổi số, Việt Nam đang triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn biến Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam có nhiều lĩnh vực rất giàu tiềm năng cho doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam như: Sản xuất chế tạo, công nghệ tài chính (Fintech) và chuyển đổi số, năng lượng sạch, bất động sản và đặc biệt là phục hồi du lịch thời kỳ hậu COVID-19.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Rosler - Tham tán danh dự của Việt Nam tại Thụy Sỹ, yếu tố tiên quyết để duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác chính là thể chế. Có thể nói Việt Nam đang có nền tảng thể chế thuận lợi. Việt Nam có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế xã hội. Quá trình tư nhân hóa ở Việt Nam đang đi đúng hướng và hạn chế được nhiều sai lầm mà một số nước đã vấp phải. Lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển năng động và sáng tạo. TS.Rosler dẫn chứng thành công của FPT, thể hiện qua những hợp tác sâu rộng với Đức thời gian qua về phần mềm và công nghệ thông tin.

Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, cạnh tranh với các nước đi đầu trong khu vực. Những khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực của chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hiệu lực và hiệu quả đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tính từ năm 2016 đến 2019 đã tăng 8 lần, đạt mức cao nhất là 861 triệu USD vào năm 2019. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Sự triển khai cơ sở hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nguồn nhân lực của Việt Nam được đào tạo và thực nghiệm càng ngày càng nhiều. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đã thống trị các vòng gọi vốn trong những năm gần đây.

Thụy Sỹ là một quốc gia định hướng đầu tư ra nước ngoài, có nguồn vốn dồi dào, trình độ khoa học và công nghệ cao, uy tín quốc tế tốt, có thế mạnh trong xây dựng các quy trình hay tính ứng dụng thực tiễn. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Thụy Sỹ sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy đầu tư với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chế tạo, sản xuất hàng hóa và hàng tiêu dùng; cơ sở hạ tầng; giáo dục, du lịch và khách sạn; công nghệ thông tin và phần mềm, khởi nghiệp; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Việt Nam và Thụy Sỹ có những lợi thế bổ sung, mối quan hệ ngoại giao tuyệt vời và sự thân thiện giữa người dân hai nước. Thụy Sỹ sẽ trở thành đối tác chiến lược tin cậy trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cả hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ cùng có chung mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững và đều có năng lực thực hiện.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Thụy Sỹ đã chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Trong đó đánh giá Việt Nam là một đất nước năng động. Sự năng động không chỉ trong giới quản lý hay doanh nhân mà có trong mọi người dân. Việt Nam cũng có một môi trường rất chào đón đối với đầu tư nước ngoài và tinh thần mở cửa hợp tác. Một số doanh nghiệp Thụy Sĩ đã hoạt động tại Việt Nam Zuellig Pharma, Bellecapital... cho rằng trong 10 đến 15 năm tới kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh./.

Khánh Lan
Theo https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/cau-noi-thuc-day-quan-he-hop-tac-song-phuong-viet-nam-thuy-sy-594836.html