Hình ảnh: Chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ số 1

Chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ

Trong những ngày qua, tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất, lũ quét cục bộ. Sáng sớm ngày 29/6/2023 đã xảy ra vụ sạt lở tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 02 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ.

2. Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, huy động và tập trung lực lượng, phương tiện của lực lượng Công an nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn; kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở rút kinh nghiệm ngay, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự, nhất là các địa bàn trọng điểm hiện nay, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

3. Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ. 

4. Chủ động các phương án huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn giúp nhân dân kịp thời ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất; phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

5. Chủ động tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau lũ.

6. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân ở các vùng xảy ra mưa lũ. Các đơn vị truyền thông Công an nhân dân cần hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó mưa lũ. Kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323)./.

NS (theo VGP)