Hình ảnh: Chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc trên người và động vật số 1

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh:VGP/Đỗ Hương

Bốn tổ chức quốc tế bao gồm: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) đã đưa ra Kế hoạch hành động chung về Một Sức khỏe (‎2022 - 2026) nhằm ‎cùng nhau hợp tác vì sức khỏe của con người, động vật và môi trường, trong đó đối phó với tình trạng kháng thuốc là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

Phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe là sự phối hợp hành động giữa các ngành y tế, nông nghiệp và môi trường để đạt được kết quả sức khỏe tốt nhất có thể cho tất cả các bên. Đây được coi là cách tiếp cận chính để giải quyết những thách thức cấp bách và phức tạp mà toàn cầu cũng như Việt Nam đang phải đối mặt, như tình trạng kháng thuốc.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, sự lây truyền của vi khuẩn kháng thuốc đã dẫn đến việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trở nên kém hiệu quả hoặc thất bại, tác động không tốt tới lâm sàng và thậm chí dẫn tới tử vong: "Đến năm 2050 mỗi năm có thể có tới 10 triệu ca tử vong nếu tình trạng kháng thuốc trên người và động vật không được ngăn chặn".

Đề xuất về các hoạt động ưu tiên và nguồn lực để phòng, chống kháng thuốc cũng như giải pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan dựa trên các nội dung trong Chiến lược Quốc gia, các đại biểu cho rằng, chống lại tình trạng kháng thuốc là nỗ lực của các bên liên quan và phương pháp "Một Sức khỏe" là chìa khóa để thành công. 

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra các giải pháp để đảm bảo việc sử dụng kháng sinh hợp lý và hạn chế tình trạng kháng thuốc. Điều này bao gồm việc đưa ra chỉ định chính xác, hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách và theo dõi thời gian sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không phát triển kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc cho rằng, đã đến lúc cần tăng cường các chương trình giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức và thực hành về việc sử dụng kháng sinh cần được thúc đẩy để ngăn chặn sự lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Kháng thuốc đang là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu, đòi hỏi hành động quyết liệt của các cấp, các ngành. Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu về sức khỏe của nhân loại và của cộng đồng đang phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và kháng thuốc, tìm được 1 kháng sinh đã khó, giữ, bảo vệ nó còn khó hơn. Ngày nay chúng ta không hành động, ngày mai sẽ rất khó khăn khi nhìn người bệnh vật vã, đau đớn mà không có thuốc chữa".

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã ban hành Kế hoạch và Thông tư hướng dẫn. Từ năm 2026 trở đi, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị dự phòng, điều trị bệnh động vật khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y, qua đó hướng tới sử dụng kháng sinh đúng cách, có trách nhiệm trong chăn nuôi, thú y.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Bộ NN&PTNT xác định công tác phòng chống kháng kháng sinh là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành. Không thể đơn lẻ từng ngành, từng bộ mà cần sự chung tay gắn kết của các bộ, ngành liên quan như: Tài nguyên và Môi trường, Công thương và đặc biệt là các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, khối tư nhân trong và ngoài nước. Bộ NN&PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi thời gian tới".

Đỗ Hương

Nguồn: baochinhphu.vn