Hình ảnh: Cơ hội xuất khẩu bưởi “ Diễn”  được trồng tại Bình Xuyên Vĩnh Phúc sang các thị trường quốc tế số 1
 
Qua khảo thực tế tại huyện Bình Xuyên việc trồng cây bưởi “ Diễn” cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên do diện tích nhỏ lẻ, vấn đề giống và quy trình chăm sóc không đồng nhất đang là mối lo ngại cho các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Vì không có vùng nguyên liệu tập trung nên bưởi có chất lượng tốt không nhiều, khó thu mua với số lượng lớn. Sản lượng bưởi đạt chuẩn chất lượng VietGAP và GlobalGAP chưa nhiều, diện tích nhỏ nên chưa ổn định được nguồn sản phẩm và sự đồng đều về chất lượng khi khách hàng yêu cầu.
 
       Khởi đầu từ việc trồng nhỏ lẻ một số hộ tại Sơn Lôi chủ yếu là thuần nông, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhờ cây bưởi diễn, nhiều hộ đã thoát nghèo vì vậy đã chuyển sang trồng tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt. Để phát triển cây bưởi bền vững, hiện nay huyện đã tích cực phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh, rà soát, quy hoạch vùng chuyên canh trồng bưởi. Thực hiện liên kết với các doanh nghiệp kết nối thị trường bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, diện tích trồng bưởi của người dân đã dần từng bước đi vào ổn định, chủ yếu tập trung vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật cho việc chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi cho thu hoạch, đảm bảo an toàn kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi quả. Để cây bưởi phát triển bền vững điều quan trọng là đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng- bảo quản - chế biến - tiêu thụ, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh các kênh phân phối chính thống, siêu thị, phát triển hình thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bên cạnh đó việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cũng là điều vô cùng quan trọng.
 
Hình ảnh: Cơ hội xuất khẩu bưởi “ Diễn”  được trồng tại Bình Xuyên Vĩnh Phúc sang các thị trường quốc tế số 2
Bưởi diễn được trồng tại đất Sơn Lôi – Bình Xuyên
 
Để đảm bảo cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững trong điều kiện cạnh tranh thị trường, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong đó chủ yếu tập trung tăng cường công tác quản lý và kiểm tra xử lý các vi phạm để không xảy ra tình trạng kinh doanh tràn lan, không đảm bảo quy định ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và sự phát triển bền vững. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP vào trồng chăm sóc, quản lý giống cây trồng, nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tập trung dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng các vùng chuyên canh, tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng, bảo quản, chế biến theo hướng doanh nghiệp vừa có vùng trực tiếp sản xuất vừa ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã, trang trại.Việc phát triển trồng bưởi theo quy trình VietGAP không chỉ nâng tầm giá trị nhãn hiệu Bưởi “ Diễn” Bình Xuyên, mà còn góp phần từng bước thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
 
Giá bưởi Diễn hàng năm trung bình từ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/quả, thường không bị giảm giá nhiều. Cây bưởi Diễn là cây cần đầu tư thâm canh, thời gian cho quả ổn định, chất lượng dài nên các hộ dân thường trồng một số loại cây hoa màu ngắn hạn, xen canh một số nhóm cây như chuối tây, đinh lăng ta, chanh… cho thu hoạch sớm trong thời gian chờ bưởi cho trái.
 
Thực tế cho thấy, việc trồng cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng vẫn là hướng đi đúng mang lại giá trị kinh tế cao, mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nông dân.
Thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng trái bưởi, theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt. Đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước.
 
                                                                    Bài và ảnh Xuân Lương – Nguyễn Lan