Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HN) 

Được sự cho phép của Bộ Xây dựng,  ngày 6/10, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam – CDC phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) và Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo “Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình; QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác”. 

Hội thảo lần này là một diễn đàn chuyên nghiệp thảo luận và chia sẻ các vấn đề cấp thiết, mang tính thời sự dưới góc độ pháp lý nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư, các nhà tư vấn và các Nhà thầu xây dựng nắm rõ hơn về các yêu cầu thực tiễn của cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế xây dựng, PCCC và bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật của 2 Quy chuẩn mới ban hành và bắt buộc áp dụng vào ngày 1/7/2020.

Ông Bùi Quang Việt, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HN) 

Thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho công trình dân dụng cao tầng phải tuân theo các quy định của tiêu chuẩn này và các tiêu chuẩn an toàn PCCC khác. Khi thiết kế PCCC cho nhà cao tầng để xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, phải dựa vào quy hoạch của toàn khu, hay cụm và đồng thời kết hợp chặt chẽ với giải pháp thiết kế PCCC của công trình bên cạnh (tổ chức đường giao thông, hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy, thông tin báo cháy...). Việc áp dụng quy chuẩn này quy định những yêu cầu cơ bản về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi thiết kế xây dựng mới, cải tạo, mở rộng đối với các nhà, công trình dân dụng cao tầng.

Theo TS Hoàng Anh Giang, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Kết cấu công trình xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng-Bộ Xây dựng), QCVN 06:2020/BXD và QCVN 04:2019/BXD quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho các công trình xây dựng và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng, đồng thời quy định phân loại kỹ thuật về cháy cho các nhà, phần và bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cấu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng; đồng thời, quy định các yêu cầu kỹ thuật PCCC áp dụng khi xây dựng mới chung cư có chiều cao đến 150 m hoặc có đến 3 tầng hầm.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Ngoài ra, các quy chuẩn này còn nhiều quy định kỹ thuật khác về hệ thống điện, chống sét, chiếu sáng, chống ồn và hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống thu gom rác, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống cấp nước và thoát nước, hệ thống thang máy… đối với nhà chung cư.

Trong khi đó, ở góc độ thiết kế xây dựng công trình, ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc CDC nhận định, thiết kế PCCC cho công trình dân dụng cao tầng, nhà ở hiện nay phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc gia về an toàn cháy. Khi thiết kế PCCC cho nhà cao tầng để xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, phải dựa vào quy hoạch của toàn khu, hay cụm và đồng thời kết hợp chặt chẽ với giải pháp thiết kế PCCC của công trình bên cạnh, như tổ chức đường giao thông, hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy, thông tin báo cháy.../.

Lê Anh
Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/dam-bao-phong-chay-chua-chay-cho-cong-trinh-dan-dung-cao-tang-565035.html