Tại EU, việc đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính của EU-ETS được thực hiện thông qua Sàn Giao dịch năng lượng châu Âu (EEX).
Tại EU, việc đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính của EU-ETS được thực hiện thông qua Sàn Giao dịch năng lượng châu Âu (EEX).

Thị trường carbon khởi động từ năm 1997, với việc thông qua Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Theo Nghị định thư này, các quốc gia phát triển có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính, bằng cách giảm phát thải trực tiếp hoặc mua lại các chứng chỉ giảm phát thải từ các quốc gia khác. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Hàng hoá giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Hiện nay, trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Các quốc gia này xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon và đã có nhiều giao dịch, nguồn thu về rất lớn, tạo xu hướng cho các nước chưa tham gia thị trường carbon.

Điển hình như, tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu thì việc mua bán, trao đổi trên thị trường carbon tuân thủ được thực hiện qua sàn giao dịch tập trung. Cụ thể, ở châu Âu (EU), việc đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính của Hệ thống mua bán phát thải của Liên minh châu Âu (EU-ETS) được thực hiện thông qua Sàn Giao dịch năng lượng châu Âu (EEX), được Ủy ban châu Âu chỉ định và ký hợp đồng trong 05 năm làm nền tảng đấu giá chung của EU-ETS kể từ năm 2021. Việc giao dịch hạn ngạch, các sản phẩm phái sinh như hợp đồng giao ngay, hợp đồng tương lai, quyền chọn và hợp đồng kỳ hạn được thực hiện cả trên sàn giao dịch và qua quầy.

Ngoài EEX, hợp đồng tương lai còn được giao dịch trên các nền tảng như: ICE, ENDEX và Nazdaq. Vào năm 2012, hoạt động đăng ký hạn ngạch của EU-ETS đã được tập trung vào một cơ quan đăng ký duy nhất do Ủy ban châu Âu điều hành. Cơ quan Đăng ký của Ủy ban châu Âu thực hiện đăng ký và theo dõi quyền sở hữu hạn ngạch phát thải thông qua hệ thống tài khoản điện tử giống như các tài khoản ngân hàng. Các doanh nghiệp tham gia thị trường sử dụng hệ thống trên để nhập thông tin về lượng phát thải hàng năm của họ; cũng có thể truy cập và xem số lượng hạn ngạch trên tài khoản của mình, hoàn trả hoặc chuyển nhượng hạn ngạch (hệ thống đăng ký này liên kết trực tiếp với hệ thống của sàn giao dịch).

Hay tại Hàn Quốc, trước khi Hệ thống mua bán phát thải quốc gia (K-ETS) được chính thức vận hành 01 năm, vào năm 2014, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) là bên cung cấp nền tảng giao dịch cho K-ETS. Thực tế tại Hàn Quốc vẫn có các sàn giao dịch hàng hóa khác như sàn giao dịch năng lượng hay sàn giao dịch điện lực nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn chỉ định KRX là đơn vị cung cấp sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính. KRX là nơi cung cấp đồng thời nền tảng đấu giá hạn ngạch (thị trường sơ cấp) và nền tảng giao dịch hạn ngạch (thị trường thứ cấp). Vai trò cụ thể của KRX trong K-ETS là: khớp lệnh các giao dịch trên thị trường, chuyển các thông tin giao dịch về Trung tâm Nghiên cứu kiểm kê khí nhà kính (GIR) để thực hiện thanh toán bù trừ; theo dõi các dấu hiệu giao dịch bất thường; cung cấp dữ liệu về thị trường cho các bên liên quan.

Còn tại Trung Quốc, việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính được thực hiện trên nền tảng giao dịch quốc gia chuyên dụng do Sàn giao dịch năng lượng và môi trường Thượng Hải quản lý. Các doanh nghiệp tham gia phải mở tài khoản trên Hệ thống đăng ký quyền phát thải carbon quốc gia (nền tảng đăng ký hạn ngạch và nền tảng thanh toán) do Công ty TNHH Đăng ký và thanh toán phát thải carbon Trung Quốc vận hành.

Từ thực tế nhiều nước thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam. Đề án nhằm phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” từ nay đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon... dự kiến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo https://tapchitaichinh.vn/san-giao-dich-tin-chi-carbon-tai-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi.html