Là loài lan đất, thân rất ngắn (gần như không có thân). Lá thuôn tù, trải rộng ra hai bên, màu xanh bóng có đốm màu xanh đậm ở mặt trên, mặt dưới màu hung đỏ, dài 10-18cm, rộng 4-5cm. Cụm hoa cao 5 -7cm, màu vàng tươi có đốm nhỏ màu đỏ hoặc tím. Cánh đài lưng gần tròn, cong lõm. Hai cánh tràng hơi chúc xuống, cánh môi dạng túi dài 4cm, hơi nhọn ở gốc, mép cuộn vào trong. Kích thước hoa khiêm tốn, màu sắc sặc sỡ, lạ mắt và rất đẹp, hương thơm nhẹ nhàng. Lan hài đốm được ưa chuộng ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt tại Anh và Nhật Bản.



Lan hài đốm trong tự nhiên

 

Tại Hải Phòng, Lan hài đốm phân bố rải rác dưới tán rừng nguyên sinh cây lá rộng hoặc trong các khe nứt, hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi độ cao từ 100-400m trong Vườn Quốc gia Cát Bà. Phân bố trong khu vực núi cao, khó tái sinh lại bị khai thác tràn lan, quá mức đến cả cây con còn rất nhỏ nhằm xuất khẩu lậu qua biên giới, vì thế Lan hài đốm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Trước thực trạng này, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà Nguyễn Văn Thịu cùng các cộng sự đã đề xuất triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố: “Đánh giá thực trạng và nhân giống thử nghiệm loài Lan hài đốm (Paphiopedilum concolor Pfitzer) phục vụ công tác bảo tồn tại Vườn quốc gia Cát Bà.

Dự kiến, nội dung của đề tài sẽ tập trung điều tra về thực trạng của loài Lan hài đốm tại Vườn quốc gia Cát Bà (sự phân bố, số lượng, môi trường, sinh thái học…) và nghiên cứu nhân giống thử nghiệm bằng phương pháp tách chiết (phương pháp phù hợp với điều kiện tiểu khí hậu, môi trường tại địa phương).



TS. Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng khoa học, chủ trì hội nghị

 

Tại Hội nghị tư vấn thuyết minh đề tài tổ chức sáng ngày 22/10 tại Sở KH&CN, các thành viên Hội đồng khoa học cấp thành phố trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho Ban chủ nhiệm, như: cần làm rõ hơn tính cấp thiết và cơ sở pháp lý của đề tài; bổ sung cơ sở tiêu chuẩn đánh giá sinh thái học đặc điểm của loài; quy trình bảo vệ thực vật khi tách chiết nhân giống… Đặc biệt, Hội đồng khoa học khuyến nghị việc thu mẫu cây cần phải tiến hành cùng với điều tra về thực trạng và phải có biện pháp bảo vệ cây chủ bị tác động, tổn thương khi tách chiết. Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ cũng cần làm rõ đề xuất công tác quản lý bảo tồn và khai thác…

Với việc phê duyệt đề tài, hội đồng tư vấn thuyết minh hy vọng sau khi đề tài được triển khai thực hiện sẽ trở thành tài liệu tham khảo, căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn gen lan Hài bản địa của Việt Nam nói chung và tại Vườn quốc gia Cát Bà nói riêng./.

Theo https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20890/danh-gia-thuc-trang-va-nhan-giong-thu-nghiem-loai-lan-hai-dom-phuc-vu-cong-tac-bao-ton-tai-vuon-quoc-gia-cat-ba.aspx