Thu hoạch cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN) 

Cá tra được nuôi tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam. Trước tình hình đầu ra xuất khẩu cá tra có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc khai thác thị trường nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm duy trì, phát triển ổn định ngành cá tra.

Hiện nay, nhiều người dân và doanh nghiệp nuôi trồng chế biến cá tra xuất khẩu tại Ðồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra thị trường ngày càng đa dạng các sản phẩm chế biến từ loại cá này. Các cơ quan chức năng tại địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Những hội chợ và các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức gần đây đều quan tâm tạo điều kiện các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường trong nước.

Từ nhiều năm nay, con cá tra đã trở thành đối tượng thủy sản được nuôi trồng chủ lực tại vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cá tra cũng được nhiều người dân trong vùng ưa chuộng vì có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng mà giá cả lại thấp. Song, đối với nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên thì sản phẩm cá tra vẫn còn xa lạ và còn ít được sử dụng để chế biến các món ăn tại các hộ gia đình và nhà hàng, quán ăn.

Do vậy, việc tăng cường quảng bá và phát triển kênh phân phối các sản phẩm cá tra ở thị trường trong nước là rất cần thiết. Ngoài ra, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm cá tra tiện lợi cho việc chế biến, dễ bảo quản và vận chuyển sẽ góp phần giúp doanh nghiệp chế biến cá tra thuận lợi trong việc tiếp cận và chinh phục thị trường nội địa. Ðồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân biết rõ quy trình nuôi trồng, chế biến các sản phẩm cá tra, xóa bỏ những nhận thức chưa đúng.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, với dân số trong nước là hơn 90 triệu người, đây là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng đối với sản phẩm cá tra tại Việt Nam. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều kênh bán hàng khác nhau, như đưa vào các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, quân đội... gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quản lý tốt chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Được biết, thời gian qua, ngành cá tra đã gặp khó khăn do sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật, giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cao. Do vậy, người nuôi cá tra phải cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý thì mới có thể từng bước tháo gỡ khó khăn và đưa nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia đầu ngành, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi cá tra là xu thế tất yếu. Ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn và vốn đầu tư khá cao nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế tương xứng cho người nuôi, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp khả thi để phát triển ngành sản xuất cá tra thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người./..

K.V
Theo https://dangcongsan.vn/kinh-te/day-manh-viec-tieu-thu-ca-tra-o-trong-nuoc-565706.html