Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc mua bán hàng qua mạng xã hội đã ngày càng trở lên phổ biến. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật là sự tiện lợi, chủng loại hàng hóa phong phú, tiết kiệm thời gian mua sắm..., việc mua hàng qua mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khách hàng, nhất là việc có thể bị người bán chiếm đoạt tiền đặt cọc, hoặc khó kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa đặt mua. 

Thời gian qua, tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân. Mới nhất, Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã phối hợp điều tra, bắt giữ đối tượng Thồng Vũ Minh (SN 1996), trú tại phường 12, quận 8, TP Hồ Chí Minh vì liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua hàng qua mạng xã hội.

Hình ảnh: Đề phòng hành vi lừa đảo khi mua hàng qua mạng xã hội số 1

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Thồng Vũ Minh (Ảnh: Văn Hậu)

Cụ thể, cơ quan Công an xác định Thồng Vũ Minh đã lập các tài khoản Facebook giả mạo rồi đăng những bài viết liên quan đến mua bán các mặt hàng máy tính, điện thoại với số lượng lớn. Khi có khách hàng muốn giao dịch, Minh yêu cầu chuyển tiền cọc vào các tài khoản Minh cung cấp, sau đó chiếm đoạt tiền, không gửi hàng cho các bị hại và chặn Facebook, Zalo, số điện thoại của nạn nhân. Sau khi nắm tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Diễn Châu đã phối hợp bắt giữ thành công đối tượng Thồng Vũ Minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thu giữ 1 laptop, 3 điện thoại di động, 1 chứng minh thư giả, 2 thẻ ngân hàng và 25 triệu đồng tiền mặt. Bước đầu xác định, đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội của nhiều nạn nhân với số tiền chiếm đoạt là 170 triệu đồng.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình về các vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân. Thực tế, thủ đoạn quen thuộc các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là lập các tài khoản Facebook, Zalo giả mạo. Lợi dụng sự tiện lợi của việc mua bán hàng qua mạng xã hội, chúng tìm mọi cách yêu cầu người mua hàng chuyển khoản số tiền từ 20 - 30% giá trị đơn hàng vào một số tài khoản đã được chuẩn bị trước để “đặt cọc cho chắc chắn”. Sau khi nạn nhân chuyển khoản, đối tượng sẽ nhanh chóng rút tiền khỏi tài khoản, không gửi hàng và chặn Facebook, Zalo, số điện thoại của người mua hàng.

Chị Lê Thị Hoa ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) bức xúc: “Cách đây chưa lâu, tôi có đặt mua qua mạng xã hội Facebook một nồi chiên không dầu trị giá hơn 4 triệu đồng. Sau khi tôi chuyển khoản số tiền cọc 1,5 triệu đồng, người bán hàng đã chặn liên lạc và không giao hàng. Sau lần đó, tôi đã kiên quyết không mua hàng qua mạng xã hội nữa, vừa mất tiền oan lại còn bực mình”.

Hình ảnh: Đề phòng hành vi lừa đảo khi mua hàng qua mạng xã hội số 2

Mọi người nên thận trọng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng xã hội (Ảnh minh họa) 

Chị Hoàng Thu Trang ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế, việc mua hàng trực tuyến hay mua hàng qua mạng xã hội đang là một xu thế, nhất là từ sau đại dịch COVID-19 thì xu thế này lại càng trở lên phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những người bán hàng chân chính thì vẫn có không ít người lợi dụng việc bán hàng trên mạng xã hội để lừa đảo, trục lợi. Điều này đã ảnh hướng rất lớn đến tâm lý của mọi người khi tham gia mua hàng trực tuyến. Cơ quan chức năng cần xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng này để vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua hàng, vừa lành mạnh hóa hoạt động mua bán hàng trên mạng xã hội; thúc đẩy xu thế mua hàng trực tuyến”.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, có những thủ đoạn mới xuất hiện nhằm đánh lừa các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến tình trạng nhiều đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi mua hàng qua mạng xã hội. Cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm và người bán hàng; có thể kiểm tra thông qua trực tiếp đặt câu hỏi về uy tín của người bán hàng trên trang mạng xã hộihoặc trong các hội nhóm mua bán hàng online mà người đó tham gia… Nên lựa chọn người bán hàng có uy tín hoặc đã quen biết.

Đối với các trường hợp người bán hàng yêu cầu chuyển trước tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng thì cần đề cao cảnh giác để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuyệt đối không chuyển tiền cho những người chưa có sự tin tưởng, nhân thân không rõ ràng. 

Để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa; đồng thời khi phát hiện đối tượng nghi vấn, sự việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần liên hệ trình báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Thị Phượng

Nguồn: dangcongsan.vn