Lò phản ứng nghiên cứu có thể được ví như một cỗ máy đặc biệt vì từ thiết bị hạt nhân này có thể tạo ra nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, những khám phá mới, những hiểu biết mới và những sản phẩm mới phục vụ cho con người không những trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà còn nhiều lĩnh vực liên quan khác nữa. Ở Việt Nam, lò phản ứng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với hơn 35 năm đưa vào vận hành sau khi khôi phục, mở rộng và tái khởi động là nền tảng để hình thành 11 hướng nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thuộc các lĩnh vực: Vật lý và kỹ thuật lò phản ứng, Vật lý hạt nhân, Điện tử hạt nhân và điều khiển lò phản ứng, An toàn bức xạ, Quản lý và xử lý thải phóng xạ, Quan trắc phóng xạ môi trường, Nghiên cứu và điều chế dược chất phóng xạ, Phát triển các kỹ thuật phân tích, Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu môi trường, Công nghệ bức xạ, và Công nghệ sinh học.

Nhận thấy được tầm quan trọng cũng như vai trò của lò phản ứng nghiên cứu và nhằm cung cấp các kiến thức tổng quan về công nghệ, thiết kế, an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, quản lý thải phóng xạ, và các ứng dụng tiềm năng của Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đến với đối tượng là cán bộ trực tiếp quản lý dự án và các cán bộ công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan; từ ngày 21 đến ngày 24/10/2020, Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã tổ chức Khóa tập huấn “Nâng cao trình độ cho các cán bộ theo dõi và quản lý các dự án có lò phản ứng nghiên cứu” tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, với sự tham gia giảng dạy của các cán bộ có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm như PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, ông Lương Bá Viên, ông Nguyễn Minh Tuân, ông Phạm Hoài Phương, ông Phạm Hùng Thái và 1 số cán bộ khác.
 

Tập thể giảng viên và học viên tham gia khóa tập huấn

Tham dự khóa tập huấn có 25 cán bộ đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… 8 nội dung chuyên đề đã cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản như:

- Cấu trúc và các hệ thống công nghệ của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Minh Tuân.

- An toàn bức xạ tại cơ sở lò phản ứng nghiên cứu nói chung và ví dụ với Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với sự hướng dẫn của giảng viên Phạm Hùng Thái. Nội dung bài giảng nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản như: Bảo vệ nhân viên bức xạ, bảo vệ công chúng khỏi các nguy cơ bức xạ và bảo vệ môi trường; Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ bức xạ tiềm ẩn; Thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về đảm bảo an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và công chúng tại Việt Nam.

- Cấu trúc và các hệ công nghệ chính và các ứng dụng điển hình của lò phản ứng nghiên cứu công suất cao với sự hướng dẫn của PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền.

- Các nguyên tắc cơ bản về an toàn hạt nhân đối với lò phản ứng hạt nhân  được trình bày bởi ông Lương Bá Viên. Bài giảng nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về: Các đặc trưng liên quan đến an toàn của lò phản ứng hạt nhân; Các mục tiêu của an toàn hạt nhân; Các nguyên tắc cơ bản về an toàn của các cơ sở hạt nhân; Nguyên lý bảo vệ nhiều lớp.

- Quản lý thải phóng xạ tại cơ sở hạt nhân có lò phản ứng nghiên cứu với sự hướng dẫn của giảng viên Phạm Hoài Phương. Nội dung của bài giảng cung cấp các kiến thức liên quan tới: Giới thiệu các nội dung cơ bản để có một cách nhìn tổng thể về quản lý các loại chất thải phóng xạ tại cơ sở hạt nhân có lò phản ứng nghiên cứu; Giới thiệu thực tế quản lý chất thải phóng xạ sinh ra từ hoạt động và sử dụng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

 

TS. Trịnh Anh Đức phát biểu tại khóa tập huấn

Khóa tập huấn đã diễn ra thành công và giúp cho các học viên nắm được những kiến thức cơ bản về công nghệ, thiết kế, sử dụng, an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ và quản lý thải phóng xạ của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Kết thúc khóa học TS. Trịnh Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã gửi lời cảm ơn đến ông Lê Ngọc Việt – Phó Ban quản lý Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, TS. Phan Sơn Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân và đặc biệt là sự có mặt của 25 học viên – cán bộ thuộc các Bộ ngành có liên quan đã góp phần tạo nên sự thành công của khóa tập huấn.
 

Các học viên tham quan thực tế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Theo http://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/18599/khoa-tap-huan-nang-cao-trinh-do-cho-cac-can-bo-theo-doi-va-quan-ly-cac-du-an-co-lo-phan-ung-nghien-cuu.aspx