Những ngày qua, thành phố Hồ Chí Minh liên tục ghi nhận số ca nhiễm ở mức cao. Trung bình hơn 4.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày từ giữa tháng 7, cho đến sáng 3/8, thành phố Hồ Chí Minh đã vượt mốc 100.000 ca.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh vừa phải đảm bảo chăm lo cho đời sống cho người dân Thành phố, vừa phải tăng cường điều kiện bảo vệ, đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất, phòng hộ cho đội ngũ tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các khu vực, các địa bàn trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Trong bối cảnh đó, dù cùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng với tình yêu, tấm lòng luôn hướng về nguồn cội, bà con kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới vẫn đồng lòng, chung sức với quê hương bằng nhiều hành động thiết thực, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Đề xuất chiến lược khống chế đại dịch COVID-19

Bác sỹ Vũ Ngọc Khuê, kiều bào Mỹ chia sẻ chiến lược "4 tuần cho 4 cốt lõi và 4 mục tiêu”.

Chia sẻ chiến lược và kế hoạch khống chế dịch COVID-19 “4 tuần cho 4 cốt lõi và 4 mục tiêu”, bác sỹ Vũ Ngọc Khuê, kiều bào Mỹ, cựu bác sĩ Phòng Dịch tễ Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất 3 chiến tuyến chống dịch bao gồm: người dân tại nơi cư trú; lực lượng y tế, bác sĩ, y tá trong bệnh viện, cơ sở y tế hay khu cách ly điều trị bệnh nhân; quân đội, lực lượng vũ trang, dân quân…

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Khuê, 4 tuần là thời gian đủ để chấm dứt sự lan truyền dịch bệnh, khử trùng và thanh lọc môi trường. 2 tuần đầu là thời gian cần thiết để nhận ra bệnh nhân phát triệu chứng và thực hiện cách ly. 2 tuần tiếp theo để phát hiện các ca ủ bệnh dài và các ca rải rác, để bao trùm dịch lây lan. Những ca nặng cần nhiều thời gian hơn để điều trị và phục hồi trong bệnh viện hay khu cách ly.

Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ Ngọc Khuê nhận định cần đặt cả nước trong trạng thái chống dịch, mỗi địa phương phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sang địa bàn khác. Người dân cần nghiêm túc thực hiện việc giãn cách tại nhà, tạm dừng những hoạt động không cần thiết để tránh làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần huy động toàn bộ hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội để hỗ trợ cho người dân trong cuộc chiến chống COVID-19. Đội ngũ y tế phải được trang bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị; đảm bảo môi trường an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Bác sĩ Vũ Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh 4 mục tiêu đặt ra là: Điều trị bệnh nhân tích cực, giảm thiểu tử vong càng thấp càng  tốt; Ngăn chặn và chấm dứt lây lan, kéo đường biểu diễn xuống dần và đi tới bằng không; Khử trùng và thanh lọc môi trường để nhân dân sống an toàn và đề phòng tái phát; Mở lại tất cả các hoạt động và kinh doanh khi hội đủ các yêu cầu hết dịch.

 Ông Trần Ngọc Phúc, kiều bào Nhật Bản, đề xuất một số vấn đề xung quanh việc mua máy thở cho bệnh nhân COVID-19.

Cùng chia sẻ ý kiến đóng góp với thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống lại COVID-19, ông Trần Ngọc Phúc, kiều bào Nhật Bản, Chủ tịch Metran Japan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá nên mua máy thở mà đại đa số bác sỹ tuyến tỉnh, huyện và bệnh viện dã chiến có thể dùng một cách an toàn cho bệnh nhân COVID-19 và chọn máy thở có giá thành thấp để có thể mua được nhiều máy đáp ứng nhu cầu số lượng bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay. Bên cạnh đó, theo ông, cần tăng thêm số lượng máy CPAP, máy tạo Oxy, máy đo Oxy bão hoà để đáp ứng cho bệnh nhân đang cách ly tại nhà nhằm giảm bớt số bệnh nhân phải di chuyển đến bệnh viện Trung ương.

Về chiến lược cách ly, ông Trần Ngọc Phúc cho rằng cần cung cấp cho cơ quan liên hệ và người trong gia đình của người bị cách ly tại gia đình kiến thức căn bản về lây nhiễm chéo. Ngoài ra, cần gấp hướng dẫn và hệ thống giám sát qua mạng cho những người có tình trạng không ổn định, kết nối với hệ thống đón nhận bệnh nhân để có thể tiến hành kịp thời. Bên cạnh đó, thiết lập nhóm y tế di động để chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân cách ly.

TS. Nguyễn Đức Thái, kiều bào Mỹ, giới thiệu giải pháp PCR siêu nhạy của TS. BS Hồ Hữu Thọ, Học viện Quân y Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Đức Thái, kiều bào Mỹ, Co-Founder TransMed-VN, hiện nay, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã và đang sử dụng 3 kỹ thuật chính là: Xét nghiệm kháng thể (thường được biết là xét nghiệm huyết thanh) để biết số lây nhiễm trong công đồng; Xét nghiệm nhanh kháng nguyên tiện lợi dùng tại chỗ; Xét nghiệm PCR chính xác hơn cần Phòng thí nghiệm. Cả 3 phương pháp này đều đã được thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với truy vết, cách ly, với những kết quả rất tốt đẹp trong 3 đợt dịch COVID-19 trước. Nhưng vấn đề của lần thứ 4 khi chủng Delta lan truyền rất nhanh R=8 (so với R=3 chủng Anh, Wuhan) thì kết hoạch xét nghiệm 5 triệu dân số không thể thực hiện với tổ chức và kỹ thuật của 3 loại xét nghiệm trên.

Chính vì vậy, TS. Nguyễn Đức Thái giới thiệu giải pháp PCR siêu nhạy của TS. BS Hồ Hữu Thọ, Học viện Quân y Hà Nội. Giải pháp này với độ nhạy cao hơn PCR thường; giúp tìm được các biến chủng đột biến. Phương pháp này có thể làm gộp 100 mẫu vẫn chính xác, rất phù hợp với xét nghiệm diện rộng hay xét nghiệm toàn Thành phố. Hiện nay đã lập xong phòng xét nghiệm công suất cao có thể xét ngiệm 10.000 mẫu/ngày hoặc 100.000 mẫu/ngày khi nhu cầu cần thiết.

Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước

 TS, BS. Võ Toàn Trung, kiều bào Pháp nhận định phải tập trung xây dựng ngay tất cả các phương án với tình hình xấu nhất.

Chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch COVID-19 tại Paris, TS, BS. Võ Toàn Trung, kiều bào Pháp, bác sĩ các bệnh viện Paris, nhận định phải tập trung xây dựng ngay tất cả các phương án với tình hình xấu nhất, đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc bệnh vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống.

Theo bác sĩ Võ Toàn Trung, cần tổ chức lực lượng y tế theo phương pháp phân thành 3 nhóm. Các nhóm này sẽ lần lượt thay thế nhau để có thời gian nghỉ ngơi, tránh quá tải cho hệ thống y tế. Ngoài ra, cần huấn luyện và đào tạo cấp tốc hệ thống này theo hình thức 3 đội: Đội 1 làm việc thì Đội 2 nghỉ, Đội 3 là lực lượng dự bị sẽ được đưa vào những vùng khó khăn nhất.

Bác sĩ Võ Toàn Trung cũng nhấn mạnh cần tuyệt đối tuân thủ việc xét nghiệm loại trừ theo cơ chế ai có xét nghiệm âm tính thì được cấp mã số riêng để loại trừ. Cho phép giảm giãn cách với những ai đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và những ai có xét nghiệm âm tính dưới 5 ngày để những người này có thể được di chuyển nếu công việc thật sự cần thiết. Cách ly toàn bộ khu công nghiệp để có thể đảm bảo sản xuất, các ngành khác làm việc trực tuyến 100%. Tập trung toàn bộ vaccine cho thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cần đào tạo gấp lực lượng tiêm vaccine để có thể triển khai tiêm trên diện rộng, với tốc độ nhanh nhất  có thể.

Theo ông, chỉ cần giãn cách tuyệt đối và làm đúng thì hạn chế rất nhiều thiệt hại về kinh tế. Trong thời gian giãn cách, ta tập trung tiêm vaccine và làm xét nghiệm hết cho dân bằng test nhanh thì hoàn toàn có thể không chế được dịch ở thành phố Hồ Chí Minh.

 Ông Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, chia sẻ “Cẩm nang và 3 phao hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19”.

Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thương vong trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan, ông Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Trưởng Ban Hỗ trợ và Phòng chống COVID-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, cho biết cần phải xây dựng và hoàn thiện các đường dây nóng hoặc các phương tiện trò chuyện để hướng dẫn người dân xử lý tình huống tại nhà. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần trang bị cho mình những trang thiết bị cần thiết như: các loại thuốc cơ bản, oxymeter, nhiệt kế, máy đo huyết áp. Nhờ những công cụ đơn giản này, người trực đường dây nóng có thể dễ dàng hỗ trợ người bệnh.

Theo “Cẩm nang và 3 phao hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19” được ông Trần Trọng Hùng chia sẻ, để phòng triệt để, cần: Rửa tay, nước diệt khuẩn, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, hạn chế gặp gỡ, hội họp, ăn uống. Để chống ngay lập tức, cần: Xác định nhiễm COVID-19 khi có các biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau họng, đau đầu; liên hệ với bác sỹ; làm xét nghiệm Sars-Cov-2; cài ứng dụng trong khuôn khổ chương trình chăm sóc bệnh nhân; tập thở yoga hỗ trợ phổi, thông đường hô hấp; thông gió phòng thường xuyên để bảo đảm chất lượng không khí. Ngoài ra, cần gọi cấp cứu kịp thời để được nhập viện khi bắt đầu khó thở (oxy <91) hay nhịp tim quá cao hoặc thấp hoặc cảm giác đuối sức. Hãy để bác sĩ giúp bạn hữu hiệu hơn khi phổi mới bị tổn thương…

Có thể thấy rằng bên cạnh việc hỗ trợ trang thiết bị y tế, chuyển các nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con gặp khó khăn, lực lượng tuyến đầu tại các nơi bị phong tỏa, cách ly, kiều bào ta ở các quốc gia trên thế giới còn đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để phòng chống dịch COVID-19. Những đóng góp này của kiều bào sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh có thể triển khai ứng dụng các kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 thành công ở các nước, các kênh thông tin điều phối, hỗ trợ cung cấp, mua vaccine, trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu trong phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân và ổn định phát triển kinh tế./.

Bài, ảnh: Khánh Linh
Theo https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/kieu-bao-chia-se-kinh-nghiem-de-xuat-giai-phap-phong-chong-dich-tai-tp-ho-chi-minh-588322.html