Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính liên quan tới các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính). Ảnh: Văn Trường.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính). Ảnh: Văn Trường.

Phóng viên: Thưa ông, có nhiều dự báo lạm phát năm nay của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 4%. Ông đánh giá thế nào về dự báo này?

TS. Nguyễn Đức Độ: Lạm phát của Việt Nam là không lớn. Nếu như chúng ta nhìn vào lạm phát cùng kỳ và lạm phát trung bình thì có thể thấy khá cao trên 4%, do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá y tế và giáo dục trong quý III/2023.

Còn trong năm 2024, nếu như không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục quy mô lớn thì lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm rất mạnh trong quý III/2024. Khi hiệu ứng tăng giá dịch vụ, y tế của năm ngoái dần dần bị triệt tiêu.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2024 có thể thấy, lạm phát trung bình chỉ tăng 0,23%/01 tháng. Trong quý II, tốc độ tăng CPI trung bình chỉ 0,1%/01 tháng. Nếu như tốc độ tăng CPI này được duy trì như trong quý II, thì lạm phát năm nay có thể chỉ dao động ở mức 3,4%.

Nguyên nhân lạm phát thấp là do kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý II tăng trưởng đạt 6,42%, nhưng tính trung bình 5 năm thì mức tăng trưởng chỉ ở mức 5%. Điều này cho thấy, nền kinh tế hoạt động dưới tiềm năng.

Một yếu tố khác là do tốc độ cầu tiêu dùng luôn luôn thấp so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy, người dân có xu hướng tăng cường tiết kiệm chi tiêu hơn.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, tỷ giá tăng khá mạnh (khoảng hơn 4%). Tuy nhiên, kể từ tháng 4 đến nay, diễn biến tỷ giá đã ổn định hơn.

Tôi cho rằng, trong những tháng cuối năm, áp lực tỷ giá là không cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch hạ lãi suất từ 1 - 2 lần. Cùng với đó, đồng USD trên thị trường thế giới có thể giảm giá.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc tăng lương từ ngày 01/7/2024 sẽ tác động mạnh đến lạm phát trong năm nay. Quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

TS. Nguyễn Đức Độ: Như chúng ta đã biết, việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7 chỉ áp dụng đối với khu vực công. Trong khi tổng số lao động ở khu vực Nhà nước so với tổng lao động của toàn nền kinh tế chiếm chưa tới 8%.

Chưa kể, lương của khu vực Nhà nước thấp hơn khu vực tư nhân. Cho nên, quỹ lương của khu vực nhà nước khá nhỏ so với cả tổng quỹ lương của toàn nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ: Tốc độ cầu tiêu dùng luôn luôn thấp so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy, người dân có xu hướng tăng cường tiết kiệm chi tiêu hơn.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ: Tốc độ cầu tiêu dùng luôn luôn thấp so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy, người dân có xu hướng tăng cường tiết kiệm chi tiêu hơn.

Từ phân tích trên, có thể khẳng định, việc tăng 30% lương ở khu vực công không ảnh hưởng nhiều đến cầu tiêu dùng của người dân. Vì vậy, tác động của tăng lương đến lạm phát là không lớn.

Chúng ta biết rằng, nhiều năm trước cũng áp dụng tăng lương, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát.

Phóng viên: Ở khía cạnh tỷ giá, có thể thấy, thời gian qua, trên thị trường tỷ giá tăng rất mạnh. Vậy, những yếu tố nào tác động đến tỷ giá, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Thời gian qua, việc tỷ giá tăng do chịu tác động của đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đồng USD tăng khoảng hơn 4%. Tỷ giá ở Việt Nam cũng tăng ở mức đó. Đây là xu hướng tăng trong trung hạn.

Còn tỷ giá tăng dao động trong một vài ngày với vài chục nghìn một USD là không đáng kể. Chúng ta chỉ quan tâm khi tốc độ tăng tỷ giá khoảng từ 3% - 6%.

Phóng viên: 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đã vượt kịch bản đề ra. Tín hiệu tích cực này liệu có lặp lại trong những tháng cuối năm không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II/2024 là khá bất ngờ với nhiều người. Tuy nhiên, theo dõi tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp trong tháng 4, 5 thì không quá bất ngờ. Chúng ta có thể thấy sự phục hồi của nền kinh tế là khá mạnh mẽ và tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi trong một quý thì nhiều khả năng nó sẽ phục vụ hồi trong quý tiếp theo. Quý III/2024 khả năng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng có nhiều biến số khi nền kinh tế nước ta phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Nếu như kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 6 tháng cuối năm, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế nước ta. Trong khi tiêu dùng tăng trưởng thấp hơn so với GDP, chỉ có đầu tư tăng trưởng mạnh hơn so với GDP.

Chúng ta kỳ vọng rằng, những khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua bởi khu vực bất động sản có tín hiệu tích cực. Minh chứng là tốc độ tăng trưởng xây dựng đạt cao nhất trong 5 năm gần đây. Điều này cho thấy, những khó khăn ở trong nước dần dần được tháo gỡ và nền kinh tế sẽ có triển vọng phục hồi, tăng trưởng tốt.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo https://tapchitaichinh.vn/lam-phat-nam-2024-co-the-dao-dong-o-muc-3-4.html