Lộc Hà sẽ vươn ra biển lớn bằng kinh tế biển - Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Huyện Lộc Hà được thành lập theo Nghị định số 20/NĐ-CP, ngày 07/02/2007 của Chính phủ (công bố vào ngày 08/3/2007) trên cơ sở sáp nhập 07 xã vùng Hạ Can của huyện Can Lộc và 06 xã vùng Biển Cửa của huyện Thạch Hà. Từ những ngày đầu thành lập, vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Hà đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Mặc dù đi lên từ bao bộn bề khó khăn của ngày đầu mới thành lập, đặc biệt là xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa chưa có kinh nghiệm, kết cấu hạ tầng yếu… Thực tế đó đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nhất là trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Xác định được những đột phá phải thực hiện, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện Lộc Hà đã xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Lộc Hà đã vượt qua khó khăn, phát huy những thế mạnh của địa phương, lãnh đạo chính quyền, nhân dân giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ vùng quê nghèo khó, đến nay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, với mức hu nhập bình quân đầu người 37,5 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2015. Kinh tế địa phương có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,43%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp từ 29% giảm còn 20%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng lên 34,42%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Hà lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định chiến lược phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch - dịch vụ kinh tế biển. Theo đó, thời gian qua để phát triển địa phương, huyện đã huy động nguồn lực đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7.979 tỷ đồng; thu hút được 95 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thương mại, dịch vụ, giao thông, thủy lợi, trong đó có Dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót, Khu biệt thự nghỉ dưỡng của tập đoàn Hà Mỹ Hưng… Cùng với đó là triển khai các Dự án xây dựng Đền thờ, quảng trường và Tượng đài Mai Hắc Đế vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo và xây dựng chùa Triều Sơn (xã Mai Phụ)... cùng với nhiều công trình khác được huyện và các địa phương tích cực triển khai, đưa vào sử dụng có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định nông nghiệp là một trong thế mạnh của địa phương, vì vậy trong nhiệm kỳ qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lộc Hà đã huy động được 2.459 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; xây dựng mới 234 mô hình sản xuất hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được xây dựng đồng bộ. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn, vượt kế hoạch nghị quyết đề ra; 20 thôn đạt chuẩn kiểu mẫu; 235 vườn mẫu đạt chuẩn; có 3 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận 3 sao...
Việc đẩy mạnh phát triển nông thôn gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội đã làm Lộc Hà có diện mới đẹp, hiện đại hơn so với nhiều năm trước. Từ vùng quê nghèo khó, đến nay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, lĩnh vực văn hóa - xã hội, hiện có 100% thôn đạt văn hóa, 91% gia đình đạt văn hóa, 21 cơ quan đạt chuẩn đơn vị văn hóa. Chất lượng giáo dục, chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được nâng lên. Công tác dạy nghề, việc làm, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đồng bộ. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được chú trọng.
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị với nhiều đổi mới; huyện đã kết nạp 520 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 4.337 đồng chí; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; làm tốt công tác tổ chức cán bộ và sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; tập trung công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lộc Hà lần thứ IV . |
Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ tới, huyện Lộc Hà tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện; đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển gắn với phát triển đô thị… phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 70 triệu đồng trở lên; giá trị sản xuất đạt 125 triệu đồng/ha/năm; có 6 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, huyện cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện phấn đấu giảm 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% làng văn hoá, trên 92% gia đình văn hoá; triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; 90% hộ dân được sử dụng nước sạch...
Để đạt mục tiêu đó, huyện Lộc Hà tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, đẩy mạnh việc đưa các mô hình, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sản xuất hiệu quả kinh tế thấp sang làm các mô hình gia trại, trang trại, nuôi trồng thủy, hải sản theo quy hoạch. Cùng với đó, chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ diện tích vườn tạp sang vườn kinh tế, vườn hộ. Quy hoạch vùng sản xuất, chỉ đạo thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP hướng vào nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị và thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, địa phương; gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ nông thôn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết, đề án phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và đầu tư vào các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; quản lý, tổ chức khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối các di tích, danh lam thắng cảnh của huyện với các tour du lịch.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lộc Hà tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển cán bộ, phấn đấu đến năm 2025, cán bộ cấp huyện chuẩn hóa theo các chức danh và được bố trí công tác đúng theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của UBND các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, để lắng nghe ý kiến, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Phát huy những thành tích và kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng bộ và Nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lộc Hà lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, xây dựng huyện Lộc Hà trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, kết nối nông thôn với đô thị văn minh./.