Hiện tổng dự án nhà máy điện năng lượng (NLTT) do Sở Công thương tỉnh Long An đề xuất UBND tỉnh chấp thuận trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trên địa bàn là 34 dự án 

 

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, trong xu thế phát triển nguồn năng lượng trên thế giới, nguồn năng lượng sạch được chú ý. Sau khi tiến hành khảo sát từ phía doanh nghiệp, Long An được xác định là một trong những khu vực phù hợp để khai thác và phát triển nguồn năng lượng giàu tiềm năng này.

Hiện nay, tổng dự án nhà máy điện năng lượng (NLTT) do Sở đề xuất UBND tỉnh chấp thuận trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Long An là 34 dự án, trong đó có 8 dự án NMĐ NLTT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển lưới điện và đã khởi công xây dựng: 5 dự án đã hoàn thành và phát điện thương mại, còn 03 dự án đang triển khai thi công phần đường dây đấu nối và nhà máy điện dự kiến vận hành thương mại trong năm 2020. 15 dự án NMĐ NLTT UBND tỉnh đã có văn bản trình Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các cấp. 

Các dự án đã hoàn thành đóng điện vận hành trước 30/6/2019 là 5 dự án, công suất 239,6 MWp, tổng diện tích khoảng 270,8ha.

Bên cạnh việc tạo ra nguồn năng lượng sạch cho lưới điện quốc gia, các kỹ sư, công nhân của các nhà máy điện NLMT đều là người của địa phương

Nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 nằm trong chiến lược phát triển 20 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), nâng tổng năng lượng mặt trời sẽ đạt 1.000 MW vào năm 2020.

Dự án điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ với quy mô công suất 49 MWp, diện tích sử dụng đất gần 50ha, do Công ty CP Điện mặt trời TTC Đức Huệ- Long An làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành từ tháng 4/2019. Sản lượng điện của nhà máy này ước tính

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trường Thạnh, Giám đốc Nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 chia sẻ: Trong quá trình triển khai xây dựng công trình đơn vị nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Long An và lãnh đạo huyện Đức Huệ nhờ vậy dự án đã hoàn thành trước dự kiến. Hiện nay dự án đã đi vào vận hành ổn định, cán bộ, kỹ sư và công nhân đều là người địa phương…

Hiện nay, nhận thấy nguồn bức xạ nhiệt tại khu vực Đức Huệ lớn phù hợp với việc xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời; mặt khác do đặc thù nguồn đất tại vùng này không thể sản xuất do nhiễm phèn, vì vậy đất đa phần bỏ hoang hóa. Hiện khi được tỉnh đồng ý chủ trương phê duyệt thì TTC Đức Huệ 2 sẽ khởi công để đưa vào khai thác.

Ông Ngô Trường Thạnh cho biết thêm: Hiện nay ngoài đầu tư các nhà máy điện năng lượng mặt trời ở Long An Tập đoàn còn có các nhà máy điện năng lượng mặt trời ở Tiền Giang, Gia Lai, Đồng Nai… “Chúng tôi mong muốn, với những nỗ lực của doanh nghiệp, cùng với cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện của chính quyền địa phương sẽ góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia” - ông Thạnh nhấn mạnh.

Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Việt Nam Solar Park Hoàng Minh Hưng (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với phóng viên về quy mô của Dự án  Công viên Năng lượng Mặt trời Solar Park

Hoạt động được gần 2 năm triển khai từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2020 Dự án Công viên Năng lượng Mặt trời Solar Park được Tập đoàn Đầu tư Hoàng Gia Việt Nam – Việt Nam Royal Investment Group (VRI Group) đã được đưa vào vận hành 4 nhà máy. Đây là một trong những dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Long An dựa theo xu hướng tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, góp phần tạo nguồn điện “xanh” và ổn định cho hệ thống lưới điện Quốc gia. Solar Park thúc đẩy khai thác và đầu tư thương mại và đầu tư thương mại vào nguồn năng lượng tái tạo trong nước.

Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Việt Nam Solar Park Hoàng Minh Hưng cho biết: Việc xây dựng nhà máy tại huyện Đức Huệ, Long An đã khẳng định được tính hiệu quả ban đầu, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Long An và lưới điện Quốc gia 300 triệu Kwh/năm, doanh thu 300 tỷ/ năm, đóng góp thuế cho huyện Đức Huệ 30 tỷ đồng. Đặc biệt các nhà máy điện mặt trời đa số đều được đầu tư, xây dựng tại vùng đất phèn nặng, không phát triển được sản xuất nông nghiệp, do vậy việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời là phù hợp với điều kiện tự  nhiên.

Ông Hoàng Minh Hưng thông tin thêm: Từ năm 2020- 2024 Solar park 5,6,7,8,9,10,11,12 đang được xúc tiến để khởi công và dự kiến đưa vào hoạt động lưới điện quốc gia từ năm 2022- 2025. Đây là một trong những dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Long An dựa theo xu hướng tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường. Góp phần tạo ra nguồn điện xanh và ổn định cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Long An nhấn mạnh: Các nhà máy NLMT có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, bổ sung vào nguồn năng lượng tại tỉnh, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, đối với các dự án đã được phê duyệt, nhà đầu tư cần thi công bảo đảm tiến độ đề ra, cũng như thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt. Hiện trên địa bàn còn 11 dự án NMĐ NLTT Sở Công thương đang trình UBND tỉnh xem xét nhưng chưa ban hành văn bản kiến nghị Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực./.

 

Nguyễn Vũ- Khánh Vy- Đức Toàn
Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/long-an-hieu-qua-tu-phat-trien-nang-luong-tai-tao-564946.html