Oải hương - mô hình trồng khai thác dầu vào mùa khô tháng 2 - tháng 5.

Đề tài do Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam chủ trì, TS. Lưu Đàm Ngọc Anh làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài được chương trình Tây Nguyên cấp kinh phí và triển khai từ tháng 8 năm 2017; sau ba năm triển khai nghiên cứu thử nghiệm thuần hóa các giống cây tinh dầu thương mại có giá trị kinh tế cao có nguồn gốc từ Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus,... Đề tài đã tiến hành nhập nội 25 giống cây tinh dầu thuộc các loài Bạc hà âu (Mentha piperita), cúc La mã (Matricaria chamomilla), Oải hương (Lavandula angustifolia), Hương thảo (Rosmarinus officinalis) và Xôn (Salvia officinalis),... Bước đầu xác định và lựa chọn được 1 giống Bạc hà âu (nguồn gốc: Vườn thực vật Moskva, Viện Hàm lâm khoa học Nga), 2 giống Cúc la mã (giống Ngoại ô moskva và Camly, nguồn gốc Liên bang Nga), 1 giống Oải hương (nguồn gốc: Vườn thực vật trung tâm, Viện Hàm lâm khoa học Belarus). Đây là các giống sinh trưởng tốt tại Tây Nguyên, cho hàm lượng và năng suất tinh dầu đạt yêu cầu. Ngoài ra, 2 giống Sả có hàm lượng tinh dầu, citral và citronellal cao cũng được lựa chọn để trồng thử nghiệm trong các mô hình.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá mô hình đạt chất lượng tốt, đúng như đăng ký trong Thuyết minh đề tài: diện tích thực tế đã trồng được gồm: 5 ha Sả, 2 ha cây ôn đới. Hội đồng đánh giá: trong điều kiện khí hậu Tây Nguyên các giống cây Oải hương, Hương thảo, Cúc la mã và Sả sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng tinh dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng giống Bạc hà âu, mặc dù sinh trưởng tốt, năng suất cao, nhưng thành phần hóa học của tinh dầu còn biến động qua các lần thu hoạch nên cần tiếp tục theo dõi thêm.

Các giống cây nhập nội hiện đang được lưu giữ tại vườn thu thập giống của cơ quan phối hợp (Viện nghiên cứu Tây Nguyên). Đề tài đang phối hợp cùng với sở Ban ngành để bàn giao mô hình, giống cây, kỹ thuật cho địa phương trong thời gian tới đây.

Tinh dầu của những loại cây trồng trên có giá trị kinh tế cao trên thị trường thế giới, được dùng trong lĩnh vực y học, hương liệu, thực phẩm và mỹ phẩm. Qua kết quả thu được từ đề tài có thể khẳng định Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng có tiềm năng rất lớn để phát triển cây tinh dầu thân thảo có nguồn gốc ôn đới và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu; góp phần mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp nơi đây. Nghiên cứu phát triển các cây tinh dầu thương mại có nguồn gốc ôn đới nhằm giải quyết tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay, đó là hàng năm nước ta phải nhập khẩu một khối lượng lớn các tinh dầu: Bạc hà cay, Oải hương, Hương thảo... để phục vụ cho công nghiệp hương liệu, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, chăm sóc sắc đẹp,…

Kết quả của đề tài cho thấy khu vực Tây Nguyên có khí hậu phù hợp để việc phát triển các cây tinh dầu có nguồn gốc ôn đới. Điều đó mở ra triển vọng, trong tương lai chúng ta không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu tinh dầu các loài nói trên. Ngoài ra, các giống cây tinh dầu mới còn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần cải thiện đời sống và nhu cầu lao động của người dân địa phương.

Một số hình ảnh:
 

Oải hương ra hoa mùa tháng 6.
 

TS. Lưu Đàm Ngọc Anh bên mô hình sả chanh tại Đater. Hàm lượng tinh dầu citral đạt 78% nên chất lượng tinh dầu thu được rất thơm và khác biệt với các loại sả chanh thông thường.
 

Mô hình trồng cây Oải hương kết hợp với du lịch trải nghiệm, và sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu. 
 

Hệ thống nồi chưng cất tinh dầu với dung tích 1200l, trang bị cho nông hộ tại Đater, nâng cao hiệu suất chưng cất và an toàn so với hệ thống nồi hơi đang sản xuất.

Theo http://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/18578/nghiem-thu-mo-hinh-trong-thu-nghiem-cay-tinh-dau-on-doi-tai-tinh-lam.aspx