( Ảnh: Vụ mua bán lan với giá 250 tỷ ở Quảng Ninh đang gây xôn xao dư luận)
Thương vụ giỏ lan đột biến 250 tỷ…ngành thuế khó xử lý.
Những ngày gần đây, dư luận trong nước tiếp tục bàn tán, xôn xao về câu chuyện cây lan Ngọc Sơn Cước đột biến có mức giá cực khủng là 250 tỷ làm nhiều người “choáng ngợp” và hơi bỡ ngỡ về thương vụ mua bán lan đột biến mới đây ở phường Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh. Trước những dư luận xã hội, UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã có văn bản đề nghị công an thị xã, Chi cục Thuế vào cuộc xác minh thông tin về thương vụ mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng và báo cáo Thường trực UBND thị xã trước ngày 23/3/2021. Qua xác minh ban đầu các cơ quan cho biết, địa điểm giao dịch “vườn lan var đất mỏ” thuộc địa bàn phường Kim Sơn tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Tuy nhiên phía nhà vườn cho biết, toàn bộ số lan trong vườn hiện mới chỉ trong giai đoạn ươm cấy, nuôi trồng, không xác nhận việc mua bán. Còn thông tin về thương vụ mua bán lan Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng là có, nhưng chỉ mới giao dịch bằng “miệng”, trao đổi chưa có thực hiện mua bán nên khó có thể xử lý…Cũng liên quan tới đến những giao dịch mua bán lan đột biến, mới đây Cục Thuế tỉnh Sơn La đã có văn bản thông báo số 463/TB-CT vào ngày 17/3/2021, về việc yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hoa Phong Lan đột biến gen đăng ký, kê khai và nộp thuếTheo nội dung thông báo nêu rõ: Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La có các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa Phong Lan đột biến gen có giá trị lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Cục Thuế tỉnh Sơn La, Chi cục Thuế khu vực các huyện, thành phố chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa Phong Lan đột biến gen. thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, các chính sách thuế, chống thất thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa Phong Lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa Lan đột biến sẽ truy thu và xử phạt theo Pháp luật Thuế hiện hành.
(Ảnh: văn bản cục thuế tỉnh Sơn La)
Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết, đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, giám sát việc này xem là doanh nghiệp hay cá nhân, có giao dịch thật không? Nếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thì phải kê khai thuế. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gene sẽ bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế.
Coi chừng “nếm trái đắng” khi chơi lan đột biến
Hiện tại, phong trào chơi hoa lan, nhất là những giống lan hiếm hoặc loại đột biến, bên cạnh những người kinh doanh lan chân chính thì không ít đối tượng đã lập các tài khoản ảo trên mạng xã hội rao bán lan đột biến với giá từ vài trăm triệu trở lên, thậm chí có giỏ lan hàng trăm tỷ đồng. Nên người dân cần tỉnh táo để tránh được những chiêu trò lừa đảo của những đối tượng lừa đảo trong giao dịch lan đột biến. Theo chia sẻ, của anh Ông Thanh Hải một người chơi lan đột biến lâu năm cho biết, chơi lan là một thú vui tao nhã, nhẹ nhàng, quý phái, tuy nhiên thời gian gần đây không ít kẻ đã trục lợi từ thú chơi này. Để xác định về giá trị một hoa lan đột biến gene là hoàn toàn không có căn cứ nào xác định được, việc giao dịch số tiền lên hàng trăm tỷ chẳng qua là giao dịch giữa hai bên, người bán đưa ra giá, người mua đồng ý, hoặc có người mua đi bán lại kiếm lời…nên mới có giá tự do như vậy, với hình thức mua bán như này đã tồn tại vài năm nay và không có cơ quan chức năng nào quản lý, bảo đảm, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan đang bán ra. Từ đó, các đối tượng có hành vi lừa đảo, đã lợi dụng phong trào chơi lan đột biến đang được ưu chuộng, đã cố tình đã tạo ra một mức giá “khủng” về cây lan đột biến, nhằm mục đích thu lợi bất chính. Người mới chơi nhẹ dạ, thấy số tiền lợi nhuận từ cây lan đột biến quá lớn, nên họ bất chấp bằng mọi cách kể cả bán nhà, vay mượn bạn bè, hoặc cầm cố tài sản để sở hữu cây lan đột biến đang bị “đột biến giá”, sau đó người mua đăng tin bán lại mức giá cao hơn để kiếm lời, nhưng không ai mua, thì mới phát hiện bị “nếm trái đắng” nhưng đã quá muộn. Hoặc các đồi tượng lừa đảo có tổ chức, họ thường xuyên giao lưu các hội nhóm chơi lan đột biến, làm quen, trao đổi về cách chơi, giao lưu các chương trình sự kiện lớn, chụp hình rồi đăng lên mạng, để tạo niềm tin với mọi người. Sau đó, các đối tưởng lừa đảo, xây dựng một kịch bản giống như những thương vụ kinh doanh đa cấp để dụ “con mồi”. Họ tạo ra một buổi đấu giá với quy mô lớn và mời các hội chơi lan đến tham dự, từ đó các đối tượng bắt đầu tha hồ “thổi giá”, với hình thức ai trả cao hơn sẽ là người thắng cuộc, và người thắng cuộc lại chính là “con mồi” không tỉnh táo, bị “sập bẫy” phải móc tiền ra trả với cái giá cắt cổ. Do nhu cầu quá lớn nên các đối tượng lừa đảo có cơ hội thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo bán lan đột biến, và chiếm đoạt tài sản của nhiều người của những nhà vườn thiếu uy tín…
(Ảnh: minh hoạ)
Người chơi lan đột biến phải tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo.
Qua những sự việc nêu trên, theo nhận định củaLuật sư bên Viện Kinh Tế và Pháp Luật Quốc tế như sau: Theo quy định hiện nay, tại điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính mặt hàng nông sản (trồng trọt và chăn nuôi do nông dân trực tiếp sản xuất, bán ra) thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng, còn đối với hoạt động của các Hộ kinh doanh thu mua hàng hóa nông sản để bán ra sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại khâu bán ra. Như vậy, đối với những sản phẩm nông sản sẽ không phải chịu thuế, như trường hợp người trồng lan đột biến là người nông dân đứng ra bán không phải chịu bất kỳ loại thuế nào cho dù sản phẩm giá của họ đang bán giá cao. Còn đối với người trồng lan là hộ kinh doanh, hoặc doanh nghiệp, mua bán lan thì phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân tại khâu bán ra. Tuy nhiên, về luật quy định là như vậy nhưng đối với những trường hợp mua bán yêu cầu sự tự giác của các cá nhân khi giao dịch với số tiền lớn, để thực hiện việc thu thuế cho ngân sách nhà nước, là không hề đơn giản. Vì vậy, với hình thức giao dịch giỏ lan đột biến có giá trị hàng chục tỷ, trăm tỷ đồng trong thời gian qua, cần có sự kết hợp của các ngành chức năng có thẩm quyền vào cuộc, điều tra xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, hộ kinh doanh có hành vi trốn thuế, không thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế, nếu có những giao dịch, kinh doanh, mua bán trao đổi hoa phong lan đột biến với giá trị lớn cần phải xử nghiêm theo pháp luật thuế hiện hành. Đồng thời, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình trốn thuế ở mức độ nghiêm trọng. Còn về người chơi lan và mua bán lan nên tránh xa "bong bóng" thổi giá ảo, khi mua bán giao dịch cần phải tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo, nếu phát hiện đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán lan đột biến, có thể gửi đơn tố cáo đến chính quyền địa phương và cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Theo quy định pháp luật về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể như sau: Nếu cá nhân chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đến hơn 500 triệu đồng, tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt thì có thể bị xử phạt tù từ hai năm cho đến 20 năm hoặc chung thân…
Nguyễn Sơn