Về câu hỏi của ban đọc Trần Hải Linh, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ Khoản 3 Điều 3 Chương I Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Như vậy, chị bạn thuộc đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Về vấn đề nhận quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Điểm đ Khoản 1 Điều 169 Mục 1 Chương XI Luật Đất đai 2013 nêu rõ: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 186 Mục 4 Chương XI Luật Đất đai 2013 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Hình ảnh: Người có nhiều hơn một quốc tịch được mua đất ở Việt Nam? số 1

Người Việt Nam có hơn 1 quốc tịch muốn mua đất ở trong nước cần điều kiện gì? (Ảnh minh họa, nguồn: luatnguyen.com)

Khoản 2 Điều 7 Chương II Luật Nhà ở năm 2014 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 

Tiếp đó, theo Điều 8 Chương II Luật Nhà ở năm 2014, điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Thứ nhất, được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Thứ hai, có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản). Mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, cùng với các nội dung trong Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014, hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2014, chị bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ có thể được nhận chuyển nhượng trực tiếp quyền sử dụng đất trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật”, luật sư Trương Anh Tuấn chia sẻ.

Đối với các trường hợp khác, pháp luật chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, tức nhận chuyển quyền sử dụng đất phải gắn liền với nhà ở. Trong cả hai trường hợp nêu trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt buộc phải đáp ứng điều kiện được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Đối với trình tự, thủ tục mua bất động sản thuộc diện được phép chuyển nhượng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, chị bạn có thể thực hiện theo các quy định của pháp luật như sau:

Bước 1: Công chứng hợp đồng, hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính, chị bạn thực hiện kê khai nghĩa vụ tài chính tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3: Kê khai hồ sơ sang tên

Bước 4: Nhận kết quả

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, chị bạn nộp biên lai cho Văn phòng đăng ký đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở/căn hộ trên đất.

Thực tế vừa qua cho thấy, vấn đề bất động sản nói chung tương đối phức tạp, đa dạng, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục thảo luận, xem xét, cho ý kiến điều chỉnh cho phù hợp.

Một nội dung có nhiều ý kiến khác nhau là quy định về quyền và nghĩa vụ về đất đai của người Việt Nam ở nước ngoài. Có ý kiến cho rằng cần có quy định khác nhau giữa người Việt ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam và người Việt ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam. Trong khi cũng có ý kiến đại biểu đề nghị không phân biệt như vậy.

“Mới đây, ngày 16/11/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết các cơ quan và Chính phủ nhất trí, thống nhất sẽ trình Quốc hội chuyển dự Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6”, luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

Nguồn: dangcongsan.vn