Nguy cơ mất an toàn thông tin trên mạng ngày càng gia tăng (Ảnh MH)
Nguy cơ mất an toàn thông tin trên mạng ngày càng gia tăng. (Ảnh MH)

Cụ thể, theo thông tin từ hệ thống Viettel Threat Intelligence của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), trong 6 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin mới xuất hiện có ảnh hưởng tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó nổi bật là lộ lọt, rò rỉ dữ liệu, thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023; lừa đảo gian lận tài chính tăng và xu hướng tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc với số lượng dữ liệu bị mã hóa lớn.

Theo VCS, loại hình tấn công mạng chủ yếu diễn ra tại Việt Nam gần đây đa phần là tấn công mã hóa đòi tiền chuộc (ransomware). Thống kê cho thấy đã có tới 56 tổ chức bước đầu đã bị tấn công ransomware với số lượng dữ liệu bị tấn công mã hóa lên đến 3 Terabyte với tổng thiệt hại ước tính hơn 10 triệu USD.

Ngoài ra còn nhiều chiến dịch tấn công khác nhắm vào các mục tiêu trải dài trên nhiều lĩnh vực như bán lẻ, tài chính và công nghệ thông tin. Trong đó, Lockbit là nhóm mã độc có số lượng nạn nhân hàng đầu trên toàn thế giới trong vòng 2 năm trở lại đây. Kể từ tháng 9/2023, mã độc Lockbit và Affiliate yêu cầu mức tiền chuộc tối thiểu là 3% doanh thu công ty hằng năm và chỉ được giảm xuống thấp nhất là mức 1,5%.

VCS cũng đã ghi nhận 2.364 tên miền lừa đảo nhắm vào người dùng, khách hàng của các tổ chức lớn tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Số lượng tên miền lừa đảo tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, Viettel Threat Intelligence cũng đã phát hiện và cảnh báo 496 trang giả mạo, sử dụng trái phép thương hiệu của các tổ chức lớn tại Việt Nam, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Về mặt hình thức, trong nửa đầu năm 2024, các nhóm tội phạm áp dụng công nghệ AI (sử dụng AI tạo kịch bản lừa đảo, sử dụng DeepFake/DeepVoice, …) trong các chiến dịch lừa đảo. Một số hình thức lừa đảo phổ biến được các nhóm tội phạm mạng sử dụng trong các chiến dịch tấn công như: Lừa đảo, giả mạo các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng; Lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng để cài đặt ứng dụng Android độc hại trên các thiết bị di động; Lừa đảo hỗ trợ thu hồi vốn, thu hồi tiền bị treo.

Người dùng cần chủ động tăng cường các biện pháp bảo vệ thông tin trên mang (Ảnh MH)
Người dùng cần chủ động tăng cường các biện pháp bảo vệ thông tin trên mang. (Ảnh MH)

Trong nửa đầu năm 2024, số lượng lỗ hổng ghi nhận trên thế giới đã tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Qua giám sát và xử lý sự cố, số lượng lỗ hổng phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh từ 12.410 của năm 2023 lên 17.648 lỗ hổng. Trong đó, tổng số lượng lỗ hổng mức cao và nghiêm trọng chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số lỗ hổng được công bố trên không gian mạng.

Ngoài ra, hệ thống Viettel Anti-DDoS của VCS đã ghi nhận tổng số cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) lên tới gần 495.000 cuộc tấn công, tăng 16% so với tổng số cuộc tấn công trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, hơn 50% số lượng cuộc tấn công tập trung vào tháng 2.

Trong nửa đầu năm 2024, Viettel Threat Intelligence ghi nhận hơn 61 triệu tài khoản bị lộ lọt, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Sự phát triển của các nhóm tấn công đánh cắp mã độc, cũng như mô hình Stealer-as-a-Service dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản lộ, lọt.

Phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust chính thức ra mắt
Theo https://baodantoc.vn/nua-dau-nam-2024-co-hon-61-trieu-tai-khoan-ban-ghi-thong-tin-ca-nhan-bi-lo-lot-1723536429049.htm