Do địa hình đồi núi khó khăn, thiếu nơi ở dẫn đến việc nhiều hộ dân phải dựng nhà sống trái phép trên đất nông nghiệp.
Do địa hình đồi núi khó khăn, thiếu nơi ở dẫn đến việc nhiều hộ dân phải dựng nhà sống trái phép trên đất nông nghiệp.

Vi phạm phổ biến ở các xã miền núi

Tại địa bàn xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) hiện có 38 hộ dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với Nhân dân để giải quyết vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện để người dân sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đa phần các hộ đều có khó khăn về kinh tế nên chưa đăng ký làm hồ sơ.

Đơn cử như gia đình anh Lữ Đức Cảnh, xã Trung Xuân. Trước đây, gia đình ở sâu trong rừng, nhưng do địa hình đi lại khó khăn, cùng với nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không đảm bảo an toàn, năm 2012, gia đình anh đã di cư ra nơi ở mới, gần đường lớn, xây dựng nhà ở kiên cố. Song, khu vực này đều thuộc đất nông nghiệp. Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp hướng dẫn các hộ dân hoàn tất thủ tục để khắc phục vi phạm.

Hiện nay, tại huyện Quan Sơn, qua rà soát có hàng trăm trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, hầu hết những vi phạm trên đều phát sinh từ nhiều năm trở lại đây.

Ông Vi Văn Nhớ - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn cho biết: Đợt rà soát gần đây nhất mà đơn vị thực hiện cho thấy, toàn huyện có 443 trường hợp xây dựng các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp. Đa số những vi phạm kéo dài từ nhiều năm về trước, nguyên nhân một phần do nhận thức của người dân còn hạn chế; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cũng như sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền các địa phương là những nguyên nhân chủ yếu.

Hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, hoa màu, đất rừng...
Hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, hoa màu, đất rừng...

Cần có giải pháp khắc phục

Tương tự, tại huyện Mường Lát, thống kê gần đây cho thấy, toàn huyện có tới 1.145 hộ vi phạm xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Theo ông Hà Văn Tế - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát, để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Nhằm hạn chế việc chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích trên đất nông nghiệp, UBND huyện Mường Lát xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

“Hiện UBND huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, phân loại, đối chiếu với quy định của pháp luật, đề xuất hướng xử lý kịp thời đối với từng nhóm trường hợp cụ thể. Đối với các hộ xây dựng nhà tại các vị trí đã quy hoạch đất ở, hoặc đang kiến nghị bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, trong thời gian tới sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở cho các hộ gia đình”, ông Tế cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.000 vụ vi phạm trật tự xây dựng các công trình nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại... trái phép trên đất nông nghiệp. Đáng nói, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp rất phức tạp, diễn ra qua nhiều thời kỳ, khó xử lý một cách triệt để trong thời gian ngắn.

Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Ngang nhiên cho thuê đất nông nghiệp xây dựng nhà xưởng
Theo https://baodantoc.vn/thanh-hoa-khac-phuc-he-luy-tu-viec-xay-nha-tren-dat-nong-nghiep-1689318734758.htm