Hình ảnh: TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao số 1

Đào tạo nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Dung)

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch có mục tiêu chung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cũng như cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho Thành phố và các địa phương trong khu vực Nam Bộ.

Theo đó, kế hoạch gắn kết chặt chẽ với Đề án Tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học; tạo sự kết nối giữa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%.

Kế hoạch cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể: 100% người học tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Có từ 80% trở lên người học ở các ngành trọng điểm đều được kiến tập, thực tập trước khi tốt nghiệp. Có từ 80% trở lên sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN có khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trên thế giới.  

100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN có hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới. 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành trọng điểm có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ cho các tổ chức trong và ngoài nước. 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành trọng điểm tổ chức hội thảo khoa học cấp Thành phố ít nhất 02 năm/01 lần.

Theo đó, nội dung kế hoạch chú trọng trọng tâm phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông, Cơ khí - Ô tô, Cơ điện tử - Tự động hóa, Kế toán - Tài chính - Ngân hàng - Quản trị doanh nghiệp, Logistics, Chăm sóc sức khỏe, Lĩnh vực Du lịch, Lĩnh vực Xây dựng - Môi trường - Đô thị.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, và thành phố Thủ Đức thực hiện kế hoạch. Trong đó, yêu cầu phải đẩy mạnh công tác truyền thông; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; kết nối cung - cầu lao động; phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học và công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố; nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ - khởi nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; tổ chức đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố…/..

PV

Nguồn: dangcongsan.vn