Tai nạn thương tích rình rập trẻ mọi lúc, mọi nơi

BS CKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: chỉ hơn 2 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhi bị tai nạn thương tích nhập viện tăng so với thời điểm trước khi học sinh nghỉ hè. Đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt là những tai nạn thương tích chủ yếu ở trẻ. 

Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhi T.M (14 tuổi, ở Quảng Ninh) đi xe đạp điện không may bị đâm vào ô tô. Sau tai nạn trẻ bất tỉnh, vào bệnh viện tỉnh được chẩn đoán tràn máu màng ngoài tim/chấn thương tim, đa chấn thương, được các bác sĩ đặt nội khí quản, dẫn lưu màng tim và chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Hình ảnh: Trẻ nhập viện do tai nạn dịp hè tăng cao số 1

Chăm sóc bệnh nhi bị tai nạn khi đi xe đạp bị va vào máy xúc tại khoa Răng – Hàm -Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TL 

Một trường khác khác là cháu T.H (5 tuổi, ở Hà Nội), đang đi xe đạp cùng ông thì bị ô tô đâm. Bé T.H vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đụng dập phổi chảy máu phổi, gãy xương sườn 8-9 bên phải kèm theo chấn thương gan độ II, lóc toàn bộ vùng da cánh tay bên phải và da đầu.

Theo các bác sĩ, trước đó, vào tháng 5, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện điều trị do ngã, bỏng, đuối nước…trong tình trạng nguy kịch. 

Bên cạnh đó, tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận những ca tai nạn thương tích trẻ em hết sức thương tâm, xảy ra ngay trong chính gia đình có thể phòng tránh được. Đó là trường hợp cháu bé 9 tháng tuổi ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tử vong do hóc hạt chôm chôm. Trong lúc chơi, cháu nhặt được hạt chôm chôm ở nhà và cho vào miệng nuốt rồi bị hóc. Khi phát hiện sự việc, người nhà lập tức đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi. Hay trường hợp cháu bé 5 tuổi ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, ở nhà cùng anh trai ăn chôm chôm thì bị hóc hạt. Thấy em bất tỉnh, anh trai đã gọi người thân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Dạy trẻ kỹ năng phòng tránh

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng, nguyên nhân chính là do thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng thiếu sự giám sát của gia đình và trường. Bên cạnh đó, trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.

Đối với trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như: ngã, bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất…; còn đối với trẻ từ 6 đến 14 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông… Bởi trẻ vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi trẻ bơi lội, chơi đùa trong ao, hồ, bể bơi…, thì các em phải đối mặt nguy cơ cao bị đuối nước.

Theo BS Nguyễn Tân Hùng, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay khi trẻ leo trèo, nghịch ngợm. Hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất tránh nguy cơ đối mặt với những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi. Tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở…Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã.

Bác sĩ cũng đặc biệt khuyến cáo phụ huynh nên dạy các con kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích. Đối với trẻ lớn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục các em cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ giao thông, không vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác. Đối với các công trình thi công, nên đặt biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc./.

Đỗ Thoa

Nguồn: dangcongsan.vn