Hình ảnh: 73,65% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới số 1

Triển khai làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: B.T) 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2023, cả nước huy động được 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến hết tháng 6, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 0,6% so với cuối năm 2022). Trong đó, có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 330 xã) và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 55 xã); bình quân đạt 16,9 tiêu chí/xã. 

Bên cạnh đó, đã có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8 đơn vị, chiếm 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện cả nước); có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 1 địa phương). Trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bộ NN&PTNT cho biết thêm, đến hết tháng 6, có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 42 sản phẩm đạt 5 sao) với 5.069 chủ thể tham gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. 

Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023 đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình năm 2023. Hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả 6 Chương trình chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình và tiếp tục vận động, thực hiện các dự án quốc tế, chương trình phối hợp với đối tác nước ngoài hỗ trợ thực hiện Chương trình./.

B.T

Nguồn: dangcongsan.vn