Đà Nẵng xác định phát triển đô thị thông minh dựa trên công nghệ ICT - Ảnh: VGP/Minh Trang

Quyết sách mạnh mẽ

Chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược phát triển của Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết với khát vọng và quyết tâm trở thành một đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, thời gian qua, Thành phố đã chủ động thay đổi tích cực, hoạch định những chiến lược mới. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết: “Năm 2018, Thành phố chính thức công bố dự án xây dựng thành phố thông minh, phát triển Đà Nẵng là một đô thị thông minh dựa trên công nghệ ICT, qua đó xác định rõ 6 trụ cột và 16 lĩnh vực mà Thành phố ưu tiên tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư. Trong giai đoạn 2010-2019, công nghiệp ICT của Thành phố đã có những bước tăng trưởng đáng kể với doanh thu tăng trưởng bình quân 20%/ năm. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp ICT trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố (7.3%/năm)”.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, “Để đạt được mục tiêu ngành công nghiệp ICT đóng góp 15% vào GRDP của Thành phố, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố đã có những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ đầu tư, thu hút đầu tư vào 6 khu công nghệ cao, khu CNTT và công viên phần mềm”.

Đà Nẵng tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Nam Á - Ảnh: VGP/Minh Trang

Liên tiếp trong 3 năm 2018-2020, Đà Nẵng đã chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” và lựa chọn các dự án bám sát đúng định hướng “Thu hút đầu tư vào CNTT, công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao; các dự án phải thân thiện môi trường, tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho người lao động”.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, cho biết năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với hầu hết các địa phương vì dịch COVID-19, Đà Nẵng đã hết sức nỗ lực vượt qua khó khăn, lần đầu tiên tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến (webinar) với chủ đề “Đà Nẵng - Thung lũng Silicon của khu vực Đông Nam Á” hơn 100 nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Nam Á. Sau mở màn thành công đó, tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến với các thị trường tiềm năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... và nhận được nhiều phản hồi rất tích cực.

“Nỗ lực xúc tiến trong điều kiện khó khăn như vậy chính là lời khẳng định chính quyền Thành phố xác định luôn tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉ trọng kinh tế địa phương”, bà Phương chia sẻ.

Đầu tư hạ tầng làm đòn bẩy

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Cụ thể, Thành phố đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Khu công nghệ cao, khánh thành giai đoạn 1 Khu CNTT tập trung, phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2 và Khu công viên phần mềm số 2. Thành phố cũng có chủ trương thành lập 3 khu công nghiệp mới và một số cụm công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất và thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao, CNTT và kinh tế số.

Việc khởi công xây dựng Khu công viên phần mềm số 2 có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển công nghiệp CNTT của Thành phố - Ảnh: VGP/Minh Trang

Dấu ấn lớn nhất về đầu tư cơ sở hạ tầng năm 2020 chính là việc khởi công xây dựng Khu công viên phần mềm số 2 có tổng diện tích hơn 28.500 m2, với tổng mức đầu tư gần 704 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Đây là công trình đặc biệt ý nghĩa đối với sự phát triển công nghiệp CNTT nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu ngành CNTT - truyền thông. 

Đáng chú ý, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 với diện tích 131 ha tại huyện Hòa Vang đang được xây dựng theo mô hình “Thung lũng Silicon” của Hoa Kỳ và tiêu chuẩn của một khu CNTT tập trung mang tầm cỡ quốc tế. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á, cung cấp những dịch vụ và nguồn nhân lực chất lượng cao, những sản phẩm CNTT tốt nhất cho thế giới.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp IT đầu tư vào trong khu CNTT tập trung Đà Nẵng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất từ 5-10 năm, hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi đối với sản phẩm và dịch vụ CNTT theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp sản xuất các dự án sản phẩm điện tử, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và CNTT sẽ được giảm 50% chi phí sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu tiên. Riêng các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, vườn ươm doanh nghiệp CNTT sẽ được miễn chi phí sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu tiên và giảm 50% chi phí trong 3 năm tiếp theo. 

Mặc dù khó khăn do dịch bệnh, năm 2020, Khu CNC&KCN Đà Nẵng đã thu hút và cấp phép cho 16 dự án đầu tư. Ảnh chụp tại Công ty TNHH ICT Vina thuộc tập đoàn Dentium Hàn Quốc trong Khu CNC Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang

‘Quả ngọt’ từ thu hút đầu tư vào công nghệ cao

Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8/2020, TP. Đà Nẵng thu hút được 159 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 77.475,51 tỷ đồng, 470 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 1.106,08 triệu USD; 58 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 160,68 triệu USD.

Năm 2020, mặc dù phải chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng hoạt động thu hút đầu tư tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Khu CNC&KCN) vẫn có điểm sáng tích cực, tạo bước đà để thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển trong những năm tới.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC&KCN Đà Nẵng cho biết, trong năm 2020, Khu CNC&KCN Đà Nẵng đã thu hút và cấp phép cho 16 dự án đầu tư; trong đó, có 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD (chiếm 44,42%  nguồn vốn FDI thu hút toàn thành phố); 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng (tăng gần gấp 2,5 lần tổng số vốn đầu tư trong nước so với cùng kỳ); ngoài ra có 17 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm 33,5 triệu USD. Từ ngày 15/12/2020 đến 18/1/2021, Ban Quản lý cấp mới 3 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 56,76 tỷ đồng.

Khu CNC&KCN Đà Nẵng đã trở thành địa điểm đặt chân của nhiều ‘ông lớn’ về công nghệ của thế giới. Đáng chú ý là vào tháng 3/2020, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (UACV) đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, là dự án FDI có số vốn lớn nhất đầu tư vào Khu CNC. Dự án này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng cũng như tạo động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao và kinh tế - xã hội của Thành phố.

Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC, Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đầu năm 2021, Đà Nẵng đón thêm một dự án 'khủng' từ Tập đoàn Công nghệ CMC, với Dự án tổ hợp không gian sáng tạo dự kiến quy mô vốn lên đến 12.000 tỷ đồng, kế hoạch tháng 3 sẽ khởi công. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án tại phường Hoà Xuân, vào cuối tháng 12/2020.

“Dự án dự kiến sẽ mất vài trăm ngày để hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhưng đến nay, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt xong quy hoạch chi tiết 1/500 với tốc độ nhanh kỷ lục. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Thành phố trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Chính chia sẻ.

Cũng trong những ngày đầu năm 2021, Đà Nẵng đón nhận tin vui khi BQL Khu CNC&KCN chính thức cấp giấy chứng nhận cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises, với tổng số vốn 110 triệu USD. Đây là dự án FDI lớn thứ 2 đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng. Dự án này đã nâng tổng số dự án đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng lên 23 dự án, trong đó 11 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 510,1 triệu USD (chiếm tỉ lệ 65,6%) và 12 dự án trong nước với vốn đầu tư là 6.291 tỷ đồng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác xúc tiến đầu tư theo định hướng phù hợp với thời kỳ công nghệ số 4.0, Đà Nẵng đang từng bước hái những quả ngọt và trở thành miền đất hứa có những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong làng CNTT trong nước cũng như thế giới.

>> Bài 2: Để Đà Nẵng rộng cửa thu hút đầu tư công nghệ cao, CNTT

Minh Trang

Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Bai-1-Da-Nang-quyet-tam-tro-thanh-thung-lung-Silicon-cua-Dong-Nam-A/420807.vgp