>> Bài 1: Đà Nẵng quyết tâm trở thành ‘thung lũng Silicon’ của Đông Nam Á

Nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề khiến cho nhiều nhà đầu tư “đau đầu”. Ảnh: VGP/Minh Trang
‘Nút thắt’ chất lượng nguồn nhân lực

Theo ý kiến từ các nhà đầu tư, nút thắt lớn nhất mà các doanh nghiệp lo ngại khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng chính là chất lượng nguồn nhân lực. Ông Takeshi Takeuchi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lớn về lĩnh vực CNTT và công nghiệp nhưng khó tìm kiếm nguồn nhân lực từ vị trí trực tiếp sản xuất cho đến nhân lực CNTT. Chưa kể lao động chất lượng cao thường tìm kiếm cơ hội để “nhảy việc”, khiến chất lượng lao động giảm xuống. Thêm vào đó, lao động Việt Nam hiện đang có xu hướng tìm đến các thị trường ở nước ngoài”. 

Đồng quan điểm, ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu, cũng cho rằng: “Trong quá trình xúc tiến đầu tư cũng như đưa các nhà đầu tư đến Đà Nẵng tham quan, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có hai điểm chính đang gây cản trở trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Đó là nguồn lao động chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động tại khu vực xung quanh Khu CNC Đà Nẵng chưa đủ đáp ứng nhu cầu”. 

“Hạ tầng xã hội có thể kể đến như hệ thống nhà xưởng xây sẵn có diện tích thuê nhỏ, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và tư vấn đầu tư, nhà lưu trú cho người lao động cùng chính sách đi kèm hỗ trợ lĩnh vực này. Công ty kiến nghị Thành phố quan tâm và xây dựng chương trình hành động cụ thể để cải thiện các điểm nêu trên nhằm gia tăng khả năng thu hút đầu tư cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố”, ông Trần Hồng Sơn nêu kiến nghị. 

Còn theo ông Lee Sungnyung, Tổng Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại-đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tại Đà Nẵng: “Mặc dù Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng nhiều công ty Hàn Quốc vẫn gặp phải rào cản vô hình và sự chậm trễ trong quá trình đầu tư. Đây là một trong những thắc mắc phổ biến nhất mà KOTRA Đà Nẵng nhận được từ phía doanh nghiệp”. 

Hệ thống nhà xưởng cho thuê trong Khu CNC Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Liên kết đào tạo và ‘đặt hàng’ nguồn nhân lực 

Đáng chú ý, việc liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các tập đoàn công nghệ chính là hướng đi mà các ‘ông lớn’ lựa chọn để giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao này. 

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đầu năm 2019, đại diện Tập đoàn UAC Hòa Kỳ đã nhiều lần đến làm việc với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). UAC Việt Nam sẽ tiếp tục kết hợp việc tuyển dụng cũng như triển khai đào tạo kỹ thuật lập trình gia công 5 trục cho một số tân kỹ sư thuộc chuyên ngành cơ khí chế tạo của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Công ty cũng triển khai hợp tác với một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng trong quá trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, làm trong các dự án thực tế... 

Trong năm 2020, Thành phố đã chứng kiến hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng và các tập đoàn lớn như FUJIKIN, LG, HITACHI nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm đầu ra có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, FUJIKIN INCORPORATED - Nhật Bản (FUJIKIN) cùng với Trường ĐH Bách khoa đã ký kết thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản. Hai đơn vị đã cùng thống nhất ký kết các hoạt động hợp tác liên quan đến Dự án xây dựng “Fujikin Danang R&D Center” tại Khu CNC Đà Nẵng. 

Theo thỏa thuận hợp tác, FUJIKIN sẽ phối hợp với Trường ĐH Bách khoa bồi dưỡng đội ngũ nhân lực xuất sắc của Việt Nam, lấy Đà Nẵng làm trung tâm để phát triển công nghệ tiên tiến như: Các chủng loại robot, các thiết bị y tế tiên tiến thế hệ mới, sử dụng năng lượng hydro, công nghệ mới sử dụng LED, công nghệ mới liên quan đến thông tin và truyền thông, thành phố thông minh, vật liệu nano và vật liệu tiên tiến. 

Gần đây nhất, thêm một bước tiến lớn trong đào tạo nguồn nhân lực tại Đà Nẵng được đánh dấu bằng sự kiện Trường ĐH Bách khoa và Hitachi Systems Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Phòng thí nghiệm công nghiệp số hiện đại đầu tiên tại Đà Nẵng. 

Dự kiến, phòng thí nghiệm này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước tháng 6/2021. Đây sẽ là nơi hàng nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc các khoa cơ khí, cơ khí giao thông, điện, điện tử viễn thông, CNTT, khoa học kỹ thuật tiên tiến, quản lý dự án… được trải nghiệm công nghệ tự động hóa, số hóa mà các công ty toàn cầu đang sử dụng để thiết kế những sản phẩm tân tiến nhất hiện nay. 

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và Hitachi Systems Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Phòng thí nghiệm công nghiệp số hiện đại đầu tiên tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Trường ĐH Đà Nẵng: “Chúng tôi đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn sinh viên thực hành, tiếp cận công nghệ ngay trên giảng đường”.  

“Thời gian tới, ĐH Đà Nẵng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà”: Doanh nghiệp dự báo, đặt hàng nhu cầu nhân lực; Nhà nước dự báo, quy hoạch các dự án đầu tư trọng điểm; nhà trường xác định ngành nghề, chỉ tiêu và tập trung đào tạo có địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực, có lộ trình, phân kỳ đối với mỗi dự án trọng điểm, gắn với các địa chỉ ‘khát’ nhân lực chất lượng cao”, Giám đốc Trường ĐH Đà Nẵng nêu định hướng. 

Cắt giảm thủ tục để rút ngắn thời gian cho DN 

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC&KCN Đà Nẵng cho biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung mà hạt nhân là Khu CNC, Thành phố đã phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN TP. Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào KCN, nâng tỉ lệ đóng góp của Khu CNC Đà Nẵng vào GRDP của Thành phố đạt tối thiểu 10% đến năm 2025. Đến năm 2030, phát triển Khu CNC Đà Nẵng đồng bộ với các Khu CNC Hòa Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. 

Thành phố đã và đang đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, nhà ga, cảng biển, logistics theo quy hoạch gắn liền với triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Tại các khu công nghiệp, sẽ rà soát và có giải pháp sử dụng quỹ đất đầu tư không hiệu quả hoặc còn trống, phát triển hệ thống nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa-xã hội cho công nhân. 

Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đưa vào sử dụng các KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh; hoàn chỉnh hạ tầng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc. Thành phố cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm triển khai đúng tiến độ dự án Khu CNC, sớm hoàn thành hạ tầng Khu Công viên phần mềm số 2, triển khai xây dựng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2. 

Thành phố phấn đấu đến năm 2030, phát triển KCNC Đà Nẵng trở thành hạt nhân phát triển kinh tế -xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Minh Trang

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư vào Đà Nẵng, mới đây, tại hội nghị chuyên đề về thu hút đầu tư vào Thành phố, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ: “Chúng tôi xác định thời gian là tiền bạc của quý vị, nếu giảm một tháng thì rất có lợi cho doanh nghiệp, lãnh đạo Thành phố đã hứa thì thực hiện cho đúng, như dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC vừa qua, Thành phố hứa với nhà đầu tư đến ngày 15/12 ra được thủ tục thì chúng tôi đã làm được”. 

“Chúng tôi cam kết bằng những việc làm cụ thể, Thành phố sẽ công khai, minh bạch và nhất quán trong các quan điểm, chủ trương và việc thực hiện kêu gọi đầu tư trên cơ sở vận dụng cụ thể hóa các quy định của pháp luật. Đặc biệt, cắt giảm, đơn giản hóa các trình tự thủ tục, thời gian để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án cũ, đưa vào hoạt động và tạo ra các nguồn lực mới cho Thành phố”, Bí thư Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh. 

Bí thư Nguyễn Văn Quảng khẳng định lãnh đạo Thành phố sẽ trực tiếp lắng nghe, ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc, cản trở, tiêu cực trong quá trình làm việc với đội ngũ cán bộ công chức và hứa xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm nếu có. 

Minh Trang

Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Bai-2-De-Da-Nang-rong-cua-thu-hut-dau-tu-cong-nghe-cao-CNTT/420920.vgp