Những “giống đực thay thế” này sau đó sẽ được cấy ghép với tế bào gốc của con cái nhằm lai tạo ra những con gia súc có chỉnh sửa gene, kết quả tạo ra những “sản phẩm mới” kháng bệnh tốt hơn và cho chất lượng thịt cao hơn.
Đây là bước tiến mới để cải thiện nguồn thực phẩm cho thế giới. Giải pháp này cũng có thể giúp cho các nhà chăn nuôi ở các vùng xa xôi trên thế giới tiếp cận tốt hơn vật liệu di truyền của các loài động vật ‘ưu tú’ từ nơi khác.

Ông Jon Oatley, nhà khoa học tại Đại học bang Washington, Mỹ, cho biết: “Với công nghệ này, chúng tôi có thể phổ biến tốt hơn các đặc điểm mong muốn và cải thiện hiệu quả sản xuất thực phẩm. Nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề này về mặt di truyền thì điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ tiêu tốn ít nước hơn, ít thức ăn hơn và ít kháng sinh hơn mà chúng ta phải đưa vào động vật”.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công với loài chuột trong thí nghiệm tại Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh (Anh). Kết quả ấn tượng là các con chuột “thành phẩm” đều khỏe mạnh. Giáo sư Bruce Whitelaw từ Viện Roslin cho biết, các động vật lớn hơn như gia súc tuy chưa được lai tạo trong các thí nghiệm mẫu nhưng thành công với chuột là bằng chứng cho thấy hướng đi của nhóm nghiên cứu là đúng đắn.
Chỉnh sửa gene từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi và nghiên cứu mới nhất này có thể vấp phải sự phản đối từ các nhà phê bình về việc chỉnh sửa gene của động vật, thứ mà họ coi là trái tự nhiên và nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng quy trình chỉnh sửa gene mà họ sử dụng chỉ được thiết kế để mang lại những thay đổi trong một số gia súc chứ không áp dụng bừa bãi.
BT (Chinhphu.vn) 
Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Chinh-sua-gene-gia-suc/407769.vgp