Công văn số 572/VPCP-KTTH gửi các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương, ngay từ đầu năm 2022, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến khâu thực hiện dự án.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc phân bố và giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của bộ, cơ quan, địa phương mình.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2021, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 19/6/2021, Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và kết luận của các đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác tại các cuộc họp kiểm tra, đôn đốc giải ngân, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt mức cao nhất; việc giải ngân vốn đầu tư phải gắn với kiểm soát chất lượng công trình, hồ sơ thủ tục theo đúng quy định, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng; tổ chức nghiệm thu khối lượng kịp thời, khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh toán theo quy định.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp chung số vốn thuộc kế hoạch năm 2021 còn lại chưa giải ngân sau khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2021, đề xuất phương án xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu Tổ công tác, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm điểm xử lý nghiêm trường hợp giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng, báo cáo kết quả gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/02/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2022.

Theo https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/de-xuat-phuong-an-xu-ly-so-von-dau-tu-cong-thuoc-ke-hoach-nam-2021-chua-giai-ngan-344997.html