Hình ảnh: Đức vận hành trạm nổi đầu tiên tiếp nhận khí LNG số 1
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) dự lễ khai trương cơ sở tiếp nhận khí LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven.(Ảnh: EPA-EFE)
Uniper xác nhận, một tàu chở khoảng 165.000 m3 LNG đã cập cảng Wilhelmshaven từ vài ngày trước đó. Lượng LNG “đủ để cung cấp cho khoảng 50.000 hộ gia đình trong một năm”, Chính phủ Đức cho hay.

Trước đó, ngày 17/12 vừa qua, Đức đã khai trương cơ sở tiếp nhận khí LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định đây là một dấu hiệu tốt, báo hiệu rằng nền kinh tế Đức sẽ có thể tiếp tục vững mạnh về sản xuất và đối phó với các thách thức. Nhà lãnh đạo Đức đánh giá cao việc dự án được hoàn thành trong thời gian rất ngắn, đồng thời khẳng định nước này đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. 

Ông Scholz khẳng định “đây mới chỉ là sự khởi đầu”. Theo ông, các bến cảng tiếp theo của Đức để nhập khẩu LNG dọc Biển Bắc và Biển Baltic sẽ được triển khai trong những tuần và tháng tới. 

Chính phủ Đức cho biết đang có kế hoạch nhập khẩu hơn 30 tỷ m3 khí đốt vào cuối năm 2024, tương đương hơn 50% lượng khí đốt chảy qua các đường ống từ Nga đến Đức vào năm ngoái.

Các kho cảng LNG là một phần trong nỗ lực lớn nhằm đảm bảo nguồn cung của Đức trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Các biện pháp bao gồm việc tạm thời quay trở lại các nhà máy nhiệt điện than do các cơ sở lưu trữ khí đốt đã được lấp đầy hết công suất trước mùa Đông.

Thủ tướng Scholz cho biết cơ sở tiếp nhận khí LNG tại cảng Wilhelmshaven là một “đóng góp rất quan trọng” cho an ninh năng lượng của nước Đức. Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này. 

Tập đoàn dấu khí ConocoPhillips của Mỹ và và công ty nhà nước Qatar đã đồng ý cung cấp khí LNG cho Đức qua trạm Wilhelmshaven ở Biển Bắc kể từ năm 2026. 

Trước thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Đức nhập khẩu khoảng 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và  hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống các đường ống dẫn khí đốt. Từ tháng 2/2022 đến nay, do các nguồn cung cấp năng lượng của Nga cạn dần dưới tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây ban hành, Đức đã phải chuyển sang nhập khẩu khí đốt qua các hải cảng của Bỉ, Hà Lan, Pháp và Na Uy./.

H.Hà (Theo Xinhua, Euractiv)

Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/duc-van-hanh-tram-noi-dau-tien-tiep-nhan-khi-lng-628358.html