Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế thiết lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế thiết lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế. (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng trong cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Ấn Độ, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực. "Do đó, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách trách nhiệm, thường xuyên. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, đừng để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu". Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, làm việc với yêu cầu phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh, vận chuyển, lưu trú, triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Riêng với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung chỉ đạo, có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm, cách ly. Hoàn thiện và ban hành các quy trình, hướng dẫn giám sát phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; đề xuất các hình thức xét nghiệm nhanh người nhập cảnh tại cửa khẩu, các mô hình quản lý người nhập cảnh thuận lợi. Rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng, việc kiểm tra phòng chống dịch tại các cơ sở y tế rất quan trọng. Tiếp tục hoàn thiện các phác đồ điều trị, nghiên cứu phát triển vaccine, tập trung hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có kết quả thử nghiệm lâm sàng với vaccine phòng Covid-19.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ TT&TT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện và hướng dẫn công cụ chung để khai báo y tế và truy vết các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch bảo đảm áp dụng thuận lợi, nhanh, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế); tăng cường truyền thông về các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh tình trạng dịch chồng dịch.

Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tại các cơ sở và hoạt động thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, đặc biệt là tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo, điều phối các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp phòng chống diễn biến mới của dịch Covid-19 như nhắn tin tuyên truyền (tổng cộng hơn 4 tỷ bản tin SMS); đổi tên hiển thị của nhà mạng; cài đặt âm báo; triển khai các chương trình khuyến mại, chăm sóc khách hàng thúc đẩy việc cài đặt ứng dụng Bluezone. Trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam từ ngày 25/7/2020, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, Bộ Y tế, các địa phương, các cơ quan đoàn thể và các doanh nghiệp viễn thông trong công tác triển khai, vận động người dân cài đặt và sử dụng Bluezone, đến nay ứng dụng này đã có 22,9 triệu lượt cài đặt.

Từ ngày 12/8 đến nay, hệ thống đã truy vết được 1.920 người tiếp xúc gần để bổ sung cho danh sách truy vết truyền thống bằng biện pháp điều tra dịch tễ.

Trước đề nghị của Bộ TT&TT về việc các địa phương đẩy mạnh cài đặt ứng dụng Bluezone (hiện còn 25 tỉnh), Thủ tướng lưu ý các tỉnh thực hiện để nâng số cài đặt lên cao hơn, không chỉ mức 24-25 triệu như hiện nay. Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế thiết lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế sớm, tránh tình trạng chậm trễ, gây phơi nhiễm trong cộng đồng.

Tuệ Nhi
Theo https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/chinh-phu-so/lap-tong-dai-tu-dong-da-ngon-ngu-ho-tro-nguoi-nuoc-ngoai-tiep-can-dich-vu-y-te/20200923091015091