Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn ra rất phức tạp trên cả nước, tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng lượng vốn FDI vẫn có được kết quả cao hơn dự báo được đưa hồi đầu năm. 

Kết quả thu hút FDI năm 2021 đạt được là do Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch. Nhờ đó, các doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy có 1.738 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tương đương giảm 31,1% về dự án và tăng 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tuy tổng vốn FDI tăng so với cùng kỳ, song số lượng dự án đăng ký năm 2021 giảm khá mạnh. Nguyên nhân là do chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam là một trong những nguyên nhân loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng vào Việt Nam thời gian qua.

Bên cạnh đó thì số vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án của Việt Nam ghi nhận có 3.797 lượt, với giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm khoảng 7,7% so với năm 2021. Nguyên nhân giảm được cho là do giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch COVID-19, việc hạn chế nhập cảnh khiến nhà đầu tư không thể sang Việt Nam để khảo sát và triển khai làm các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, dịch bệnh cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp... 

Tính cả năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là ngành sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt trên 2,6 tỷ USD; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,4 tỷ USD…

Có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ.

Năm 2021, TP. Hải Phòng đã vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn FDI với số đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020; Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước; đứng thứ ba là TP. Hồ Chí Minh với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư...

Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc hơn năm 2021. Nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, có 67% số doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. Dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan đã được thể hiện trong Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham quý III (“Business Climate Index - BCI”) - một thước đo thường xuyên về nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp của EuroCham với 18,3 điểm phần trăm, tăng ba điểm từ mức điểm thấp kỷ lục là 15 điểm phần trăm được ghi nhận trong thời kỳ khó khăn nhất của đợt dịch lần thứ tư hồi tháng 9/2021.

Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam... 

Theo https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/nam-2021-tong-von-fdi-vao-viet-nam-uoc-dat-3115-ty-usd-343933.html