Skytower và cầu cảng Auckland (New Zealand) thắp sáng mừng Năm mới.- Ảnh: Getty

Vào lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương là những nơi bước sang Năm Mới 2022 đầu tiên trên thế giới, do nằm ở múi giờ GMT+14.

Sau đó 15 phút, quần đảo Chatham của New Zealand cũng bước sang năm 2022. Để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh khi người dân tề tựu đón Giao thừa, chính quyền thủ đô Wellington của New Zealand đã quyết định hủy bắn pháo hoa mừng Năm Mới, thay vào đó tổ chức màn trình diễn ánh sáng ở khu vực trung tâm. Quyết định tương tự cũng được chính quyền thành phố Auckland đưa ra. Nhiều địa điểm tại thành phố Auckland của New Zealand được thắp sáng rực rỡ và 3 chương trình biểu diễn ánh sáng đón Năm Mới tại đây được tường thuật trực tiếp trên truyền hình và Internet. 

Tại thành phố Sydney, Australia, chương trình bắn pháo hoa chào năm mới vẫn được tổ chức tại khu vực cầu cảng - Ảnh: Reuters

Tại thành phố Sydney, Australia, chương trình bắn pháo hoa chào Năm Mới vẫn diễn ra tại khu vực cầu cảng. Tuy nhiên, Sydney áp dụng quy định 2 m2/người, nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông người như mọi năm. 

Chính phủ Australia trước đó từ bỏ cách chiến lược "Zero COVID" sau khi hơn 76% dân số hoàn thành tiêm vaccine đủ liều cơ bản.

Tại Mỹ, người dân đổ về Quảng trường Thời đại để chứng kiến thời khắc quả cầu nặng 6 tấn nạm gần 2.700 viên pha lê được thả xuống, đánh dấu thời khắc bước sang năm 2022. Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, người dân đổ về Quảng trường Thời đại để chứng kiến thời khắc quả cầu nặng 6 tấn nạm gần 2.700 viên pha lê được thả xuống, đánh dấu thời khắc bước sang năm 2022. Do dịch bệnh, giới chức thành phố New York giới hạn chỉ 15.000 người, ít hơn rất nhiều so với hàng chục nghìn người như hằng năm, được tham dự lễ đón năm mới tại đây.

COVID-19 đang tăng nhiệt ở Mỹ. Số ca nhiễm trung bình hằng ngày đã tăng vọt lên mức 265.000. Thành phố New York cũng là nơi ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng mạnh. Tuy nhiên, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết các sự kiện đón năm mới tại Quảng trường Thời đại sẽ "cho thế giới thấy New York đang chiến đấu và vượt qua đại dịch theo cách của chúng tôi".

Giới chức yêu cầu những người tham gia sự kiện phải đeo khẩu trang và xuất trình chứng nhận tiêm chủng. Ban đầu, những người tổ chức đã hy vọng có thể đón 50.000 người tham gia, nhưng buộc phải thu hẹp sự kiện vì đợt bùng phát mới của dịch bệnh.

Tại Paris, màn bắn pháo hoa truyền thống đêm Giao thừa ở Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs Elysees bị hủy bỏ vì lo ngại dịch bệnh. Các quán bar, cà phê và nhà hàng vẫn mở cửa hoạt động như bình thường nhưng phải đóng cửa trước 2h sáng 1/1. Ảnh: AP

Nhiều nước trên thế giới đã quyết định hủy hoạt động bắn pháo hoa chào Năm Mới để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 do tụ tập đông người.

Sự kiện đón năm 2022 tại Đức năm nay tổ chức gần Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin với quy mô khá hạn chế - Ảnh: Getty
Màn bắn pháo hoa đón chào Năm Mới 2022 trên sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AFP/Getty
Người dân Nhật Bản cầu mong một năm mới nhiều may mắn tại ngôi chùa Hasedera, ở Kamakura. Ảnh: Reuters
Không khí chào đón Năm Mới 2022 tại Triển lãm Thế giới-EXPO 2020 Dubai, UAE. Ảnh: AFP/Getty Images

Năm 2022 là năm thứ ba thế giới phải chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng nhiều khả năng từ đây, đại dịch sẽ trở thành một căn bệnh "đặc hữu mà chúng ta có thể chung sống hòa bình".

77% người dân trên thế giới tin rằng năm 2022 sẽ tốt đẹp hơn năm 2021. Đây là kết quả khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện với 22.023 người từ 18-74 tuổi ở 33 quốc gia trong thời gian từ 22/11 đến 5/12/2021.

An Bình
Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/The-gioi-don-nam-moi-2022-Anh-sang-xua-tan-noi-lo-dich-benh/457772.vgp