Cụ thể, bước ngoặt quan trọng này đạt được sau khi đội nạo vét đào khoảng 27.000 m3 cát về phía 2 bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18 m. Phần mũi tàu đã bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định.

Dù con tàu khổng lồ đã nổi trên mặt nước, chưa rõ lúc nào nhà chức trách địa phương sẽ mở cửa trở lại kênh đào Suez. Việc tiếp tục hành trình của Ever Given cũng cần được cơ quan chức năng cho phép.

Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn từ ngày 23/3. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt. Đặc biệt, nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh đào Suez tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển của toàn thế giới. Các tàu chở hàng sang châu Âu và bờ Đông Mỹ sẽ phải đi vòng qua châu Phi. Tình trạng này sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian vận tải hàng hóa.

Theo hãng tin Bloomberg, "tính toán sơ khởi" dựa trên thông tin của tạp chí hàng hải Lloyd’s List cho thấy thiệt hại từ sự cố siêu tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez vào khoảng 400 triệu USD/giờ, tức khoảng 9,6 tỷ USD/ngày. Ước tính này dựa trên luồng giao thông từ Đông sang Tây trị giá khoảng 5,1 tỷ USD/ngày, trong khi luồng giao thông theo hướng ngược lại trị giá khoảng 4,5 tỷ USD/ngày.

Cơ quan chức năng Ai Cập cho biết, hiện số tàu ùn ứ ở cả hai đầu kênh đào này là khoảng 321 tàu.

BT

Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Giai-cuu-kenh-dao-Suez-Thanh-cong-buoc-dau/427071.vgp