100% các bộ đã có LGSP. 
Theo báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử các năm 2018, 2020 của Liên Hợp Quốc, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ  hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Tận dụng thế mạnh của công nghệ để khai thác dữ liệu số, các nước có thể tạo ra nhiều dịch vụ tiện lợi hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”.

Kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử của các nước trên thế giới cho thấy, vấn đề kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin là đặc biệt quan trọng. Việc này giúp các cơ quan Chính phủ trao đổi và sử dụng thông tin một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành trong nội bộ của Chính phủ, giúp hỗ trợ các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin, dữ liệu đầy đủ và nhất quán.

Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, đã chỉ rõ cần ưu tiên phát triển các cơ sở dữ liệu (CSDL), đặc biệt là các CSDL quốc gia và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 60% các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Mới đây nhất, tại Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 22/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT - đơn vị xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, cho biết, ngày 30/10 vừa rồi đã đánh dấu một bước tiến đáng ghi nhận khi Bộ Nội vụ có LGSP và qua đó là 100% các Bộ đã có LGSP.

Cụ thể, đã có 61 tỉnh, 21 Bộ đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so với đầu năm (chỉ có tổng số khoảng 40 Bộ, tỉnh). Từ 1/1/2020 đến ngày 29/10, tổng số giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào khoảng 4,2 triệu giao dịch (năm 2019 chỉ là 2,3 triệu), mỗi ngày khoảng 14.000 giao dịch. Hiệu quả thu được là rất lớn, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức.

Chẳng hạn, sau 1 năm thực hiện liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đã xử lý 1.200.417 hồ sơ liên thông; việc này đã giúp người dân, công chức, hộ tịch, tư pháp, bảo hiểm xã hội không phải thực hiện 2 thủ tục là khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhập dữ liệu trên hai phần mềm khác nhau.

Đại diện Cục Tin học hoá cũng chỉ rõ, có 5 Bộ, ngành, địa phương đang triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu hiệu quả nhất thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (tính theo số lượng giao dịch đã thực thiện) bao gồm: đối với bộ, ngành có Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ TT&TT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đối với địa phương có Long An, TPHCM, Nam Định, Hà Tĩnh, Bắc Ninh.

Việc các Bộ, địa phương sớm hoàn thành LGSP, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là rất cấp thiết và không thể trì hoãn thêm, vì đây là nhu cầu thiết yếu của thực tế, xu hướng phát triển trong và ngoài nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế không phải các Bộ, địa phương đều có điều kiện để kịp đầu tư/thuê dịch vụ để đưa nền tảng quan trọng này vào sử dụng trong giai đoạn 2019-2020 (năm 2019 mới chỉ có 21 địa phương, 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ có LGSP, tức đạt 27%). Vì vậy, với vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT cũng đã triển khai nền tảng LGSP as a service để một số bộ, ngành, địa phương sử dụng trong giai đoạn các bộ, ngành, địa phương, chưa có điều kiện xây dựng LGSP của mình.

Theo ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, LGSP do Bộ cung cấp không thay thế cho LGSP của các Bộ, các địa phương mà chỉ là giải pháp hỗ trợ, phục vụ kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương hiện đã sẵn sàng thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Ngoài Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT còn triển khai LGSP as a Service cho 6 Bộ khác (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế) và 12 địa phương (Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Phước, Đắk Lắk, Hà Nội, Hậu Giang, Khánh Hoà, Lai Châu, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc).

Lãnh đạo Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT cũng cho biết, để tiếp tục phát huy hiệu quả của các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong toàn quốc, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai kết nối LGSP với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm sự chủ động, bền vững, các bộ, địa phương cần chủ động phát triển LGSP của mình để việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ Chính quyền điện tử được hiệu quả, thống nhất dựa trên các trên nền tảng dùng chung, tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của mình và là đầu mối để kết nối đến các hệ thống thông tin bên ngoài.

Việc các bộ, địa phương hoàn thành LGSP, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2020. Quan trọng hơn, việc này sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành theo hướng dựa trên dữ liệu; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của nhà nước, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí trong toàn quốc. Ngoài ra, đây còn là tiền đề để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam giai đoạn tới.

Hiền Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Khong-tri-hoan-them-viec-tich-hop-chia-se-du-lieu/413669.vgp