Phóng viên: Xin ông cho biết S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam dựa trên cơ sở nào?

Ông Trương Hùng Long: S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam dựa trên 5 cơ sở bao gồm:

Thứ nhất, nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới.

Thứ hai, triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp sự gián đoạn của đại dịch.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).
Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Thứ ba, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID của Việt Nam.

Thứ tư, dư địa chính sách tài khóa vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh cho phép nền kinh tế ứng phó với rủi ro vĩ mô. Và cuối cùng là sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh.

Phóng viên: Thưa ông, việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta ở thời điểm này?

Ông Trương Hùng Long: Lần gần nhất S&P nâng hạng cho Việt Nam lên BB là tháng 4/2019. Như vậy, sau 4 năm S&P tiếp tục có quyết định nâng hạng cho Việt Nam. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.

Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý.

Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.

Đối với quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Thưa ông, mới đây, “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021 – 2030” đã được các cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt, trong đó mục tiêu của Việt Nam là tới năm 2030 sẽ đạt mức xếp hạng “Đầu tư”. Vậy việc S&P nâng hạng lần này có tác động như thế nào đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu tại Đề án?

Ông Trương Hùng Long: Thực hiện mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 về việc “nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, cùng với bối cảnh nêu trên, “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021-2030” đã đặt mục tiêu đưa xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức đầu tư tới năm 2030.

Theo thang đánh giá xếp hạng tín nhiệm của S&P, mức BBB- là mức khởi điểm xếp hạng “Đầu tư”. Với việc Việt Nam đạt được mức BB+ từ ngày 26/5/2022, là bậc ngay sau BBB- thì Việt Nam chỉ còn đúng một bậc để đạt mục tiêu của Đề án. Việc S&P nâng hạng tại thời điểm này tạo động lực rất lớn để Chính phủ, các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ, khẩn trương các giải pháp đã nêu tại đề án. Đó là các giải pháp tổng thể phát huy các thế mạnh hiện có trên tất cả các ngành lĩnh vực, phủ rộng các hoạt động về kinh tế, an sinh xã hội, môi trường.

Bên cạnh những giải pháp về cải thiện chất lượng thể chế, xây dựng nền tảng vững mạnh cho tài chính công và lĩnh vực ngân hàng, việc tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế là hết sức quan trọng nhằm truyền tải những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được, chia sẻ những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, làm cơ sở để thuyết phục các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá sát và tích cực về hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết thêm một số trọng tâm cần tập trung cải thiện để Việt Nam nâng hạng lên mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư trong thời gian tới?

Ông Trương Hùng Long: Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hai trụ cột Việt Nam cần cải thiện là về quản trị, cụ thể là cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, công khai minh bạch dữ liệu và thứ hai là về khả năng chống chọi đối với các sự kiện bên ngoài.

Về quản trị, chúng ta cần tiếp tục cải thiện các chỉ số quản trị đã được công bố toàn cầu, nâng cao các tiêu chuẩn công bố dữ liệu và cải thiện chất lượng và tính kịp thời của dữ liệu cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trên thực tế, đây là các định hướng, nhiệm vụ Chính phủ đã chỉ đạo sát sao để các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cùng thực hiện.

Ngoài ra Việt Nam cần cải thiện khả năng chống chọi với các rủi ro bên ngoài. Cần cải thiện hơn nữa các vấn đề mang tính cơ cấu ở khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/nang-hang-tin-nhiem-tao-hieu-ung-lan-toa-cho-toan-bo-nen-kinh-te-viet-nam-348320.html