Bị cáo Singh Raghvendra Pratar đứng trước tòa trong phiên điều trần về vụ trẻ em tử vong liên quan đến siro ho nhiễm độc (Ảnh: Reuters)
Trong số 23 đối tượng bị phạt tù có 1 công dân Ấn Độ. Người này là Singh Raghvendra Pratar - Giám đốc một công ty đã nhập khẩu siro Dok-1 Max vào Uzbekistan, đã bị tuyên án tù dài nhất - 20 năm. Các bị cáo bị kết tội trốn thuế, bán thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả, lạm dụng chức vụ, sơ suất, giả mạo và hối lộ.
Thuốc ho Dok-1 do Marion Biotech sản xuất có liên quan đến cái chết của 68 trẻ em ở Uzbekistan vào tháng 12 năm 2022. Vụ việc buộc cơ quan quản lý dược cấp trung ương và tiểu bang ở Ấn Độ phải mở cuộc điều tra về vấn đề này. Cuộc điều tra ban đầu cho thấy các mẫu siro ho của Marion Biotech bị "pha trộn" và "không đạt chất lượng tiêu chuẩn”.
Các cựu quan chức phụ trách cấp phép nhập khẩu thuốc cũng bị phạt nặng. Theo phán quyết của tòa án, mỗi gia đình có con tử vong hoặc bị tàn tật do uống phải siro nhiễm độc sẽ được nhận tiền bồi thường 80.000 USD. Cha mẹ của 8 trẻ khác bị ảnh hưởng bởi thuốc sẽ nhận được từ 16.000 USD đến 40.000 USD. Số tiền bồi thường này sẽ do 7 trong số các đối tượng bị kết án trong vụ việc chi trả.
Tại Uzbekistan, tổng cộng có 86 trẻ em bị ngộ độc sau khi uống siro ho, 68 trẻ trong số đó đã tử vong. Thuốc ho Dok-1 do Marion Biotech (Ấn Độ) sản xuất có liên quan đến vụ việc này. Vụ việc buộc cơ quan quản lý dược cấp trung ương và tiểu bang ở Ấn Độ phải mở cuộc điều tra về vấn đề này.
Tháng 6/2023, nhà chức trách Ấn Độ cũng đã mở cuộc điều tra cáo buộc hối lộ liên quan đến loại siro ho nhiễm độc bị cho là nguyên nhân khiến hàng chục trẻ em tử vong ở Uzbekistan và Gambia. Một số chuyên gia dược phẩm cho rằng các nhà sản xuất đã thay thế propylene glycol thường được sử dụng trong siro ho bằng các chất khác có giá thành rẻ hơn nhưng độc hại. Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 200 trẻ nhỏ khác ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng sản phẩm siro ho của công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ xuất khẩu sang Gambia có chứa chất độc ethylene glycol (EG) và diethylene glycol (DEG), là nguyên nhân gây tử vong gần 70 trẻ em ở quốc gia châu Phi này./.
PG (theo India Today, US News/Reuters)
Nguồn: dangcongsan.vn