Hình ảnh: Nghiên cứu chính sách: Phòng, chống xâm hại trẻ em từ mạng xã hội trách nhiệm thuộc về ai? số 1
(Ảnh: minh hoạ)
Với sự bùng nổ của Internet, việc trẻ em sớm được tiếp cận với thế giới mạng dần trở nên phổ biến. Việc trẻ em ham thích khám phá, trải nghiệm trên môi trường mạng là điều rất bình thường. Môi trường mạng internet chứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức, nhiều tiện ích hay, đáp ứng nhu cầu của con người, mang đến rất nhiều điều bổ ích cho trẻ em, song cũng là “cạm bẫy” gây ra hậu quả đau lòng. 
Thiếu quan tâm, trẻ nhỏ gây hậu quả đau lòng.
Những câu chuyện đau lòng từ đó đã xảy ra, có thiếu nữ bị lợi dụng tình dục, có em học theo Youtube mất mạng, trẻ em bị lừa gạt vào đường dây mại dâm…Áp lực từ mạng xã hội khiến nhiều em bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, học tập, thậm chí dẫn đến tự tử. Sở dĩ có tình trạng đau lòng xảy ra ở thế giới ảo, là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do những người bố, người mẹ còn rất trẻ, nhận thức về kỹ năng sống về hôn nhân gia đình, nuôi dạy trẻ còn đang rất hạn chế, bị chi phối bởi đồng tiền, ảnh hưởng những tiện ích và tiêu cực ờ thế giới ảo dẫn đến việc thiếu quan tâm, chăm sóc, giám sát và nuôi dạy con cái...Bên cạnh đó là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người làm cha chỉ biết đi làm về ngồi chơi game, người mẹ thì lên mạng chat với bạn bè hoặc tìm kiếm mua sắm quần áo, mỹ phẩm…kiến cho trẻ cảm giác cô đơn, để rồi trẻ ngoài đi học ở trường ra, về nhà chỉ biết làm bạn với máy tính bản, điện thoại, laptop, từ đó trẻ nhỏ học theo  nhiều hành vi tiêu cực. Chính vì thiếu quan tâm sát sao, chia sẻ của cha mẹ, người thân, một bé trai 8 tuổi ở ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được phát hiện bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun và đã không qua khỏi. Trước đó, một cháu bé 5 tuổi ở Thành  phố Hồ Chí Minh đã dùng khăn quàng đỏ để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm. Và chỉ cách đó chưa đầy 1 năm, cũng tại TP.HCM, sự việc xảy ra tương tự với một bé 7 tuổi khi gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ vì học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube. Những sự việc đáng tiếc liên tiếp, dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc trẻ em bị nhiễm “độc” thông tin trên mạng internet và trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ….vì vậy trước khi chúng ta lên án những Youtuber làm ra những clip độc hại nhãm nhí, sau phụ huynh không tự nhìn lại, đã làm gì cho các bé hay chưa, hay bản thân những ông bố, bà mẹ chỉ lo kiếm tiền, hay cũng đang là nô lệ của thế giới ảo. Không chỉ riêng "chương trình độc hại", hiện có nhiều "nội dung độc hại" trên mạng xã hội đang âm thầm tiếp cận trẻ em, đặc biệt là những trẻ có biểu hiện thu mình, ít giao tiếp với bạn bè hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn. Nếu như trẻ bị thiếu sự quan tâm và giám sát của phụ huynh, do áp lực của cuộc sống, áp lực của việc kiếm tiền, giao điện thoại laptop cho trẻ, bỏ mặt trẻ nhỏ muốn làm gì thì làm, có trẻ may mắn được kịp thời phát hiện nhưng có trường hợp phát hiện muộn gây hậu quả xấu đối với trẻ. 
Hình ảnh: Nghiên cứu chính sách: Phòng, chống xâm hại trẻ em từ mạng xã hội trách nhiệm thuộc về ai? số 2
(Ảnh: minh hoạ)
Cha mẹ hãy làm bạn với con trẻ để thấu hiểu.
Thông qua các video hướng dẫn trẻ em vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua thử thách nhưng thực tế lại là những hành động nguy hiểm cho cơ thể, tính mạng của các em nhỏ. Trong khi đó trẻ nhỏ chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hại nên dễ dàng làm theo để muốn khẳng định bản thân. Đồng thời, với bản tính tò mò, không ít trẻ em đã vào các đường link ‘web đen’ để tìm hiểu, để học hỏi, để kẻ xấu lợi dụng thể xác, tâm hồn non nớt của trẻ.
Mới đây, câu chuyện bé gái tên H.12 tuổi mang thai 8 tháng với bạn trai 15 tuổi vừa được ba mẹ phát hiện đã khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình hoảng hốt. Điều đáng chú ý là chỉ khi bụng bầu đã được 8 tháng, gia đình bé gái mới phát hiện ra. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra xác minh, được biết cháu bé sống cùng bố mẹ và bà nội, cả gia đình ai cũng đi làm, tối về nhà chỉ ăn uống tắm rửa rồi đi ngủ, ít có thời gian quan tâm tới cháu. Trong khoản thời gian vừa qua do dịch Covid-19 nên cháu được nghỉ học, thường xuyên rủ bạn bè về nhà chơi game và xem phim ở máy tính bản. Bình thường H.hay mặc áo rộng để che bụng. Bà nội bé gái thấy cháu có biểu hiện khác thường cũng chỉ nghĩ cháu bị…đầy bụng. Đồng thời nhiều người hàng xóm thấy bé gái H. và bạn trai 15 tuổi chở nhau đi xe đạp vào khu vực vắng người qua lại…Qua sự việc, trẻ em có nhiều cơ hội truy cập Internet, nội dung trên Internet rất khó kiểm soát nên khó tránh việc con tiếp cận những trang không phù hợp, làm kích thích sự tò mò của con và làm con học hỏi hành vi tình dục của người lớn. Bên cạnh đó, trong khi số vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng thì nhiều bậc cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con cái. Nhiều phụ huynh cho rằng, khi con cái ở lứa tuổi dậy thì mới có nguy cơ bị xâm hại nhưng thực tế, trẻ em gái có thể bị xâm hại tình dục bất cứ tuổi nào, thậm chí có những trường hợp trẻ dưới 10 tuổi. Như vụ án gần đây vào ngày 9/1, tin từ Công an huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, đang hoàn thiện hồ sơ để bàn giao Nguyễn Trọng Hoàng (51 tuổi; trú xã Đăk Wil, huyện Cư Jut) cho Công an huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông xử lý theo quy định. Đây là đối tượng bị Công an huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông ra thông báo truy tìm vì có hành vi xâm hại tình dục trẻ em rồi bỏ trốn. Tại đây, bắt giữ đối tượng Nguyễn Trọng Hoàng. Theo lời khai nhận ban đầu của Hoàng, đã nhiều lần xâm hại tình dục cháu B.T.N (8 tuổi) ở gần nhà. Lần gần nhất vào ngày 3/1/2021. Sự việc bị gia đình cháu nhỏ phát hiện, đối tượng bỏ trốn về Hải Phòng rồi quay về tỉnh Đắk Nông. Khi đang tiếp tục bỏ trốn bằng xe khách từ Đắk Nông về TP Đà Lạt thì lực lượng Công an huyện Đam Rông bắt giữ…Nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em bị xâm hại là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Những trường hợp thương tâm xảy ra liên tiếp gần đây cho thấy, mạng xã hội đang là “người bạn lớn” đã và đang du nhập vào đời sống hàng ngày của trẻ nhỏ mà người lớn không hề hay biết. Nếu trẻ em sử dụng internet thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của người lớn sẽ rất dễ đi vào các trang web đen, độc hại này. Thậm chí, trẻ tin và làm theo hướng dẫn của các trang mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Chính vì thế, cha mẹ và nhà trường nên dạy trẻ sử dụng internet hiệu quả, nhận biết và có kỹ năng truy cập các kênh, thông tin phù hợp lứa tuổi, chịu làm bạn với con, lắng nghe những điều con cần nói, tâm sự giải thích cho con hiểu, thì những câu chuyện đau lòng như vụ việc bé gái 12 tuổi mang thai 8 tháng ở trên mới không có cơ hội xảy ra. 
 
Hình ảnh: Nghiên cứu chính sách: Phòng, chống xâm hại trẻ em từ mạng xã hội trách nhiệm thuộc về ai? số 3
(Ảnh: minh hoạ)
Hậu quả của những phút lơ là này, thực sự quá lớn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh phải biết tự bảo vệ con em mình bằng cách thường xuyên giáo dục, quản lý, theo dõi sát sao để trẻ không bị sa đà vào những thông tin, hình ảnh độc hại trên mạng. Khi cho trẻ  sử dụng mạng, cha mẹ nên dạy trẻ bảo mật thông tin cá nhân, quy định thời gian sử dụng mạng, khuyến khích trẻ vào những hoạt động chăm sóc bản thân, dạy kỹ năng sống và kiểm soát nội dung truy cập của trẻ, đồng thời cần sớm dạy trẻ các kỹ năng tự vệ, bảo vệ bản thân cho bé. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giải thích cho trẻ hiểu các hành động có nguy cơ xâm hại tình dục, cũng như có kỹ năng bảo vệ bản thân trong những tình huống cấp thiết. Cha mẹ là hành trình mang yêu thương và sự chăm sóc cho con trẻ, trong vai trò làm cha mẹ hãy yêu thương, quan tâm con cái nên thường xuyên trò chuyện với con để các em nói ra được vấn đề của mình. Đó là cách bảo vệ trẻ em tốt nhất cả ngoài đời thực lẫn trên không gian mạng./.
Nguyễn Sơn
Hình ảnh: Nghiên cứu chính sách: Phòng, chống xâm hại trẻ em từ mạng xã hội trách nhiệm thuộc về ai? số 4
(Ảnh: minh hoạ)
Theo Bộ Luật hình sự năm 2015 và được sửa đổi bổ sung năm 2017. 
*Điều 142 quy định: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Điều luật này quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là phạm vào tội này. Ngoài ra, Điều luật này còn quy định: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi cho dù được trẻ em đồng ý thì cũng phạm vào tội hiếp dâm với người dưới 16 tuổi. Khung hình phạt thấp nhất 7 năm tù giam, cao nhất là tử hình.
*Điều 144 quy định: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Điều luật này quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình và miễn cưỡng cho giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện quan hệ tình dục thì vi phạm vào tội này. Khung hình phạt thấp nhất 5 năm tù giam, cao nhất là tù chung thân.
*Điều 145 quy định: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Điều luật này quy định: Người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khung hình phạt thấp nhất 1 năm tù giam, cao nhất 15 năm tù giam”.   
Như vậy, với Bộ luật hình sự mới, tội danh được quy định rõ ràng hơn, tách bạch hơn và có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm những hành vi nêu trên, người vi phạm sẽ bị kết tội, không phụ thuộc vào việc người bị xâm phạm có tự nguyện hay không. Thậm chí nếu người bị xâm phạm không tự nguyện thì người thực hiện hành vi còn có thể bị kết tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm người dưới 16 tuổi, lúc đó hình phạt sẽ còn nặng hơn rất nhiều lần./.