Nhật Bản mở rộng, gia hạn các biện pháp khẩn cấp - Ảnh: NHK

Ngày 18/8, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 22.242 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất kể từ trước đến nay. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.466.512 ca mắc COVID-19. Trước đó, giới chức y tế Malaysia cảnh báo biến thể Delta đang chiếm ưu thế tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Bộ Y tế nước này cho rằng cần xem tất cả lao động di cư về nước như các ca nhiễm biến thể Delta, vì vậy phải nâng cao cảnh giác tại các chốt an ninh và điểm kiểm tra y tế tại biên giới nhằm chia tách các ca nhiễm biến thể nguy hiểm này. Tại Phnom Penh, từ nhiều ngày nay, chính quyền thủ đô liên tục phong tỏa các khu vực có ca nhiễm biến thể Delta. Ngày 18/8, Campuchia ghi nhận thêm 12 trường hợp tử vong và 593 ca mắc COVID-19, gồm 189 ca nhập cảnh và 404 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 87.190 ca mắc COVID-19, trong đó 82.666 người đã hồi phục và 1.730 người tử vong.

Ngày 18/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 381 ca mắc COVID-19 mới, trong đó, ngoài 270 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 48 ca cộng đồng. Bộ Y tế Lào cho biết thời gian gần đây, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này tiếp tục tăng cao khiến cho các khu vực đỏ trên cả nước tăng trở lại. Đáng chú ý là Savanankhet, tỉnh đang có diễn biến dịch phức tạp khi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 152 ca, trong đó có tới 44 ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trong khi đó, dịch bệnh cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước khác. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng và kéo dài tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Số ca nhiễm tăng mạnh trên cả nước do biến thể Delta lây lan mạnh.

Hôm thứ Ba, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình với con số kỷ lục 20.000 ca nhiễm mới được ghi nhận vào thứ Sáu tuần trước. Ông Suga cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch thực hiện triệt để các biện pháp với 3 trụ cột là cải thiện hệ thống y tế, ngăn ngừa lây nhiễm và tiêm chủng". Đây là tình trạng khẩn cấp lần thứ tư kể từ khi đại dịch bùng phát và hiện đang áp dụng đối với Tokyo và 5 tỉnh.

Bất chấp việc tăng trưởng trở lại trong quý II, Nhật Bản được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong phần còn lại của năm nay do sự bùng phát làn sóng dịch từ biến thể Delta. Văn phòng Nội các Nhật Bản vừaa công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng 0,3% trong quý II/2021 so với quý đầu năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này cho thấy chi tiêu tiêu dùng nội địa và chi tiêu của doanh nghiệp Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tuy nhiên, so với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm hơn nhiều. Trong quý II/2021, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP tới 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 17/8, tức là cứ 1 giờ thì có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh tại quốc gia này.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, Mỹ đang vật lộn với số ca mắc mới tăng cao do biến thể Delta. Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch như yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đến giữa tháng 1/2022.

Thống kê cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng khoảng 70% trong hai tuần qua, gây áp lực lớn cho các bệnh viện. Số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong 12 ngày qua tại Mỹ là hơn 100.000 ca, mức cao nhất trong 6 tháng qua. 

Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Hàn Quốc đã tăng trở lại ngưỡng 1.800 ca ngay sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày. Số liệu của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 18/8 cho thấy đã có thêm 1.805 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 1.767 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 228.657 ca. Số ca bệnh nặng là 366 ca, tăng 12 ca so với một ngày trước đó.

Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc đã phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch COVID-19 với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc) đã phải áp dụng những biện pháp phòng dịch khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, số ca lây nhiễm mới hằng ngày đã vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày trong 43 ngày liên tiếp, ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục 2.223 ca vào ngày 11/8 vừa qua.

KDCA đã xác nhận hơn 3.000 trường hợp nhiễm 4 biến thể lây lan chính của virus SARS-CoV-2 trong tuần qua, trong đó có khoảng 2.600 trường hợp thuộc biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc ghi nhận có khoảng 14.000 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó, riêng biến thể Delta là hơn 10.400 trường hợp, chiếm 74,2%.

Các quan chức y tế Hàn Quốc cũng dự đoán biến thể Lambda, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru và có khả năng kháng vaccine cao hơn, có thể sớm thâm nhập vào Hàn Quốc và sẽ khiến tình hình dịch bệnh ở đây trở nên tồi tệ hơn.

An Bình

Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Nhieu-nuoc-cang-thang-vi-bien-the-Delta/442992.vgp