TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)” đã xác định ngành an toàn, an ninh mạng là một trong những ngành ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia. 

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh:VGP.

Ngày nay, không gian mạng trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ, là ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả các cấp độ.

Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh mạng đã được Đảng, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 52 của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, riêng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82% (trong đó các bộ, ngành đạt 65%, địa phương đạt 87%); đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) bảo vệ 2 lớp đạt 95% (trong đó các bộ, ngành đạt 82% và địa phương đạt 97%); triển khai giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp cho 15 cơ quan tại 23 địa điểm; cấp tài khoản giám sát kỹ thuật và tài khoản giám sát thông tin trên hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia cho 63 Sở Thông tin và Truyền thông.

Đến nay, đã có 215 cơ quan tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Về phát triển thị trường và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp phép cho 87 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa chiếm khoảng 72,7% so với hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng; đã thành lập Liên minh phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam với sự tham gia của 21 DN.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng hoàn thiện, đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, ban hành hướng dẫn về danh mục yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin cho trạm gốc 5G, ban hành 13 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thông tin mạng, 9 văn bản hướng dẫn chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Những nỗ lực trên đã góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng. Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (tăng 50 bậc so với kỳ trước).

“Việc tăng hạng quốc tế lên 50 bậc và nằm trong Top 50 là điểm sáng trong thời gian qua, là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức đối với an toàn, an ninh mạng…”, ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương phân tích, quá trình chuyển đổi số dẫn đến số lượng thiết bị kết nối internet và dung lượng dữ liệu sinh ra, được xử lý tăng theo cấp số nhân. Nhưng cùng với đó, các nguy cơ về đánh cắp, hủy hoại và giả mạo thông tin, dữ liệu ngày càng tăng cao. Các kỹ thuật tấn công mạng, điển hình như xuất hiện những mã độc sẽ ngày càng thông minh hơn với công nghệ giả mạo giống như thật hay dựa trên trí tuệ nhân tạo…có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoặc phần lớn mạng internet của một quốc gia.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, Việt Nam phải thực hiện mãnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng tiếp tục được coi kà nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các DN chuyển đổi mô hình kinh doanh và tăng cường áp dụng công nghệ số trước tác động của dịch COVID-19 và cuộc CMCN 4.0.

Cần đánh giá kết quả về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh mạng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, xây dựng tiềm lực bảo đảm an ninh mạng, sự phối hợp giữa các có quan, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Cần chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai chương trình và biện pháp bảo vệ kỹ thuật đối với hạ tầng trọng yếu, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia…Việt Nam cần tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước trong xây dựng và triển khai chính sách an ninh mạng, dự báo xu hướng công nghệ an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Để giải quyết vấn đề không chỉ các cơ quan Nhà nước mà còn cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức, DN để Việt Nam nhanh chóng cập nhật và thích ứng với các xu hướng an toàn, an ninh mạng thế hệ mới.

Các đại biểu gồm đại diện cơ quan quản lý, DN, chuyên gia công nghệ tại Triển lãm. Ảnh:VGP.

Tại Phiên Báo cáo chính với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”, các đại biểu cũng đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình an toàn, an ninh mạng và xu hướng bảo mật hàng đầu hiện nay cùng với những định hướng triển khai bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu. Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Giám sát và ngăn ngừa hiểm họa an toàn, an ninh mạng cho các hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu quốc gia” đề cập đến các giải pháp, công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong các lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, xây dựng và quản trị đô thị thông minh, năng lượng, hạ tầng thanh toán, hạ tầng giao thông vận tải...

Từ đó, phiên tọa đàm tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác công – tư nhằm cải thiện năng lực bảo mật thông tin quốc gia, phát hiện và xử lý các rủi ro mất an toàn thông tin, mất an toàn, an ninh mạng nhằm bảo vệ các dữ liệu và tài sản trọng yếu.

Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Bảo vệ hệ thống thông tin doanh nghiệp thế hệ mới” chia sẻ về xu hướng rủi ro an toàn, an ninh mạng và các giải pháp của doanh nghiệp nhằm đối phó với những cuộc tấn công dữ liệu. Ngoài ra, phiên tọa đàm xoay quanh việc chia sẻ, đề xuất giúp các doanh nghiệp có định hướng tối ưu hóa trong việc xây dựng chiến lược đầu tư hệ thống bảo mật, công nghệ thông tin hiệu quả với các nguồn lực có sẵn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới.

Các nhà cung cấp cũng trình diễn nhiều giải pháp nổi bật trong triển lãm bao gồm: Bảo mật đám mây, bảo mật thiết bị đầu cuối, bảo mật thiết bị di động, quản lý truy cập & định danh, xác thực đa yếu tố/xác thực không mật khẩu, bảo mật sinh trắc học, CCTV & Hệ thống giám sát, GRC, Hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập, DevSecOps, bảo mật ứng dụng/kiểm thử xâm nhập, phòng chống mất dữ liệu/phishing, Zero Trust, giải pháp ngăn ngừa rủi ro nội bộ DDoS, mã hóa, ảo hóa...

Anh Minh
Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Tang-cuong-bao-dam-an-ninh-mang-trong-ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao/413586.vgp