Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ 6 (Ảnh: dongthap.gov.vn)

Các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì hội nghị.

Sau khi nghe các tờ trình quan trọng về tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, các đại biểu chia tổ thảo luận để phân tích các nội dung trình tại hội nghị.

Bên cạnh thống nhất với Tờ trình về Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025.

Các đại biểu đã cho ý kiến vào Tờ trình về Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đối với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hiện nay có nhiều mô hình hay về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tuy nhiên việc nhân rộng gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, đại biểu đề nghị tỉnh nên có cơ chế cho vay vốn ưu đãi để kích thích đầu tư trong lĩnh vực này.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả chương trình Người nông dân chuyên nghiệp; đào tạo nghề nông thôn phải thực chất.

Để thực hiện đạt mục tiêu có 35 hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp về phát huy và nâng cao vai trò của Hội quán, vì đây là nền tảng quan trọng để phát triển hợp tác xã.

Đối với Đề án phát triển ngành Công nghiệp, các đại biểu đề nghị phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển nông nghiệp, trong đó xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp lớn để phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản, thu hút đầu tư công nghiệp phân bón (chú trọng phân hữu cơ) để cung cấp vật tư chất lượng cho nông nghiệp.

Đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu cho rằng cần lựa chọn một số vị trí phù hợp để tạo ra cộng đồng dân cư mới ở khu vực biên giới, vừa ổn định chỗ ở, vừa gắn với phát triển sinh kế, tạo việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, phát triển thương mại biên mậu, phát huy các hiệp định liên vận, sớm nâng cấp các cửa khẩu phụ; phát triển văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực riêng cho khu vực biên giới; quan tâm cải thiện môi trường sống, khơi thông và nạo vét các kênh rạch cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm.

Để huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển khu vực biên giới, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển nhà ở cho người dân. Nội dung quan trọng nữa được đề cập đó là bổ sung giải pháp về phòng, chống dịch bệnh khu vực biên giới, nhất là phòng, chống dịch COVID-19.

Trong phát triển du lịch, bên cạnh chỉ ra những hạn chế, các đại biểu đề nghị trong giai đoạn 2021 – 2025 cần quan tâm nhiều đến đầu tư cơ sở lưu trú đạt chất lượng 4 sao – 5 sao; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, trong đó có du lịch trải nghiệm về nông nghiệp.

Ngoài ra, còn có ý kiến đề nghị bổ sung mục tiêu về đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, trang bị ngoại ngữ, kiến thức về lịch sử, văn hóa của địa phương cho đối tượng này; đa dạng hóa các sản phẩm quà tặng du lịch mang nét đặc trưng của địa phương như: Bánh dân gian từ bột Sa Đéc (có thể bảo quản lâu), phát triển sản phẩm từ thảo mộc sẵn có, điển hình như combo sản phẩm từ sen, vừa giúp bảo vệ sức khỏe, vừa làm đẹp; phát triển kinh tế đêm, tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội để thu hút khách du lịch đến với địa phương…/.

Hoàng Mẫn (t/h)
Theo https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhieu-y-kien-dong-gop-vao-cac-to-trinh-tai-hoi-nghi-lan-thu-6-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-dong-thap-595806.html